Loạt tài sản khủng chờ bán
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) xác nhận đã bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). TTC là doanh nghiệp gắn với tên tuổi của doanh nhân Đặng Văn Thành, công ty nắm giữ 24,75% cổ phần tại CTCP Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) và 23,59% cổ phần tại CTCP Đường Biên Hòa (BHS).
Thương vụ này được thực hiện với giá trị 2.200 tỷ đồng (khoảng 98 triệu USD) bao gồm nhà máy đường, một nhà máy điện nhỏ và vùng trồng với diện tích 6.000ha nằm cạnh nhà máy đường. Nhà máy đường của HAG được xây dựng vào năm 2012 tại Lào với vốn đầu tư là 1.474 tỷ đồng với công suất 1.050.000 tấn mía/năm, sản xuất khoảng 105.000 tấn đường/năm.
Tại Đại hội cổ đông bất thường vừa mới diễn ra, Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức cho biết, ngoài việc bán mảng mía đường với giá 2.200 tỷ đồng cho TTC, HAG vẫn đang tiến hành đàm phán để bán hai dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 tại Lào với tổng giá bán là 2.800 tỷ đồng. Dự án Nậm Kông 2 sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm trong khi Nậm Kông 3 đã xây xong phần móng nhà máy. Theo báo cáo tài chính của tập đoàn, đến ngày 30/6/2016, HAG đã chi 2.535 tỷ đồng vào các dự án này.
Nếu đàm phán thành công, HAG sẽ có được 5.000 tỷ đồng từ hai thương vụ trên. Số tiền này sẽ được dùng để giảm nợ tại BIDV. Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng dư nợ của HAG tại BIDV là 10.706 tỷ đồng. Tập đoàn cũng đang tìm cách bán các tài sản khác, trong đó có dự án BĐS tại Myanmar và trong trường hợp xấu là cả một phần mảng cao su. Theo đó công ty hy vọng sẽ không lỗ thêm trong 6 tháng cuối năm, khoản lỗ sau thuế 1.191 tỷ đồng 6 tháng đầu năm sẽ là con số cuối cùng của khoản lỗ cả năm.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thương vụ này sẽ giúp HAG có được tiền mặt giúp cải thiện đòng tiền. HAG đã và đang đàm phán kế hoạch tái cơ cấu nợ với các ngân hàng trong nước và kế hoạch này vẫn đang chờ Chính phủ xem xét phê duyệt. Được biết, hầu hết các ngân hàng chủ nợ đã ký vào đề xuất tái cơ cấu nợ bao gồm nới thời hạn vay với nợ được tái cơ cấu thành loại nợ trả lãi và gốc vào cuối kỳ (với kỳ hạn lên đến 3 năm), trong khi đó, HAG vẫn đang bán bớt tài sản để cải thiện tình hình.
Hiện tại, HAG vẫn đang chờ quyết định về kế hoạch tái cơ cấu nợ từ NHNN, đồng thời kỳ vọng sẽ được nới thời hạn vay thêm vài năm đối với phần lớn các khoản vay. Theo đó công ty không phải trả nợ gốc và lãi vay trong thời gian ân hạn.
Tại thời điểm ngày 30/9/2016, HAG có 12.343 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 14.340 tỷ đồng nợ dài hạn. Ước tính, tập đoàn sẽ phải trả lãi vay là 2.600 tỷ đồng, trong đó 1.650 tỷ đồng sẽ được ghi nhận vào chi phí tài chính trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh, còn 950 tỷ đồng sẽ được vốn hóa.
Bầu Đức tính bán cả đàn bò sữa để trả nợ ngân hàng.
Bầu Đức không cứ muốn bán là được?
Trong trường hợp xấu nhất, ngoài việc bán các tài sản như mía đường, thủy điện, bất động sản, HAG có thể sẽ bán một phần mảng cao su. Chẳng hạn, nếu kế hoạch tái cơ cấu nợ bị trì hoãn quá lâu, bầu Đức sẽ xem xét bán 20.000 ha cao su tại Lào trong tổng số 38.428 ha cao su và tổng diện tích đất trồng các loại là 89.000 ha. Số tiền thu về dự kiến vào khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng. Công ty đã đàm phán với một số bên quan tâm bao gồm cả NĐT tiềm năng đến từ Trung Quốc. Cho dù vậy, HAG đã nhấn mạnh rằng công ty muốn giữ lại mảng cốt lõi là cao su, dầu cọ và các diện tích canh tác nông nghiệp khác sau quá trình tái cơ cấu.
Rõ ràng, HAG dù muốn bán bớt tài sản nhưng vẫn muốn “ôm” mảng cao su, do vậy, phát ngôn mang tính “bộc phát” của bầu Đức "Hoàng Anh Gia Lai có thể bán dự án cao su ở Lào cho nhà đầu tư Trung Quốc thu về 8.000 tỷ đồng" tại ĐHCĐ có thể chỉ là “đòn gió”.
Bình luận về phát ngôn này, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI cho rằng: “Đã có quy định về công bố thông tin cho các công ty niêm yết, các ông Chủ tịch hãy thận trọng khi phát ngôn, thị trường cần những thông tin chính xác và có trách nhiệm. Mỗi phát ngôn không chính xác của người đứng đầu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, cổ đông sẽ là những người đầu tiên hứng chịu”.
HAG cũng đang cố gắng bán dự án BĐS tại Myanmar với giá trên dưới 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên thương vụ này có thể sẽ còn kéo dài sau năm 2016. Hiện tại, dự án Myanmar (Giai đoạn 1) tạo doanh thu khoảng 4 triệu USD/ tháng và lãnh đạo HAG ước tính từ năm 2017 trở đi, doanh thu hàng năm của dự án này sẽ đạt 50 - 60 triệu USD.
Ngoài ra, HAG cũng sẽ sớm chuyển nhượng mảng sữa, đàn bò sữa của HAG gồm 7.500 con, dự kiến cho 24 triệu lít sữa và tạo doanh thu 302 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, mảng này chưa có doanh thu và lợi nhuận.
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), công ty con hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của HAG, sẽ phát hành 110 triệu cổ phiếu HAG với giá tối thiểu là 6.400 đồng/cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ. Tiền thu về từ phát hành là 704 tỷ đồng và sẽ được dùng để thanh toán khoản nợ cho khoảng 1.400 tỷ đồng choTemasek (1.130 tỷ đồng là nợ gốc và gần 300 tỷ đồng là lãi vay). Sau đàm phán, Temasek đã chấp nhận mức thanh toán đáo hạn là 50% mệnh giá và HAG xem như thanh toán dứt điểm khoản nợ này.
Như vậy đến cuối năm nay, nhiều khả năng HAG sẽ đã trả được 6.400 tỷ đồng trong tổng số 26.683 tỷ đồng dư nợ hiện tại. Về 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi của Temasek, HAG cũng đang tìm kiếm NĐT mua lại số trái phiếu này từ Temasek. Giá chuyển đổi nhiều khả năng phải giảm đáng kể so với mức giá cam kết 19.645 đồng/cp.
Mặc dù vậy, theo nhận định của CTCK Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), HAG vẫn phải đối mặt với các vấn đề về thanh khoản và những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi NHNN và các ngân hàng thương mại đồng ý gia hạn các khoản vay, đồng thời cho phép HAG hoãn thanh toán vốn vay gốc và lãi vay. Mặc dù quá trình bán các tài sản có giá trị cao như dự án BĐS ở Myanmar và dự án trồng cao su sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Vấn đề chính ở đây là khi nào kế hoạch tái cơ cấu sẽ được thông qua và cấu trúc công ty sau quá trình tái cơ cấu sẽ như thế nào.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn