“Phủ điện” cho tôm
Ông Nguyễn Phước Đức - Phó Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, đa số các hộ nuôi tôm công nghiệp hiện nay đang sử dụng chính nguồn điện thắp sáng hoặc dầu để chạy động cơ kéo quạt nước cung cấp oxy cho con tôm. Việc này sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt. Nếu sử dụng nguồn điện sinh hoạt để nuôi tôm sẽ gây quá tải lưới điện khu vực và không đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của việc nuôi tôm công nghiệp. Nếu sử dụng dầu để chạy động cơ kéo thì sẽ làm tăng thêm giá thành sản xuất so với sử dụng điện.
Ông Đức cũng cho biết, để khắc phục những hệ quả trên, cần phải thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện và trạm biến áp để đảm bảo việc cung cấp điện đến các khu nuôi tôm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng cao. Và đó là lý do EVN SPC triển khai thực hiện đề án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản địa bàn các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang nhằm đáp ứng cung cấp điện kịp thời cho các khu nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đáp ứng kịp thời sớm nhất mùa vụ cho bà con nông dân.
Cấp điện cho hộ dân nuôi tôm tại Trà Vinh.
Tổng kinh phí đầu tư thực hiện đề án khoảng 2.216 tỷ đồng. Khối lượng đầu tư của dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp 874 km đường dây trung thế; xây dựng mới 1.333 km đường dây trung thế; nâng cấp trạm biến áp là 3.084 trạm /138.250kVA; xây dựng mới trạm biến áp là 2.244 trạm/143.915 kVA; cải tạo, nâng cấp 2.059 km đường dây hạ thế và xây dựng mới 2.171 km đường dây hạ thế.
Điện đến ao tôm
Tại một số tỉnh, việc triển khai đề án đã đem lại hiệu quả thiết thực và nhiều vùng nuôi tôm đã được cấp điện đầy đủ. Ông Trần Quyền Dự - Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu cho biết, hàng năm Công ty đều dành một nguồn vốn đáng kể đầu tư cho phát triển lưới điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Đối với khách hàng nuôi tôm, trong năm 2015 Công ty Điện lực Bạc Liêu đã được EVN SPC cấp vốn triển khai dự án DPL3 nâng cấp, cải tạo lưới điện với mục tiêu phục vụ các hộ nuôi tôm trên địa bàn tất cả 5 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, với 106,5 km đường dây trung áp, 160km đường dây hạ áp, tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ khách hàng từ tháng 11/2015 đến nay.
Trong thời gian tới, ông Dự cũng cho biết, đối với các hộ dân nuôi tôm nằm ngoài vùng quy hoạch đã mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt nhưng vẫn sử dụng điện vào mục đích nuôi tôm, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát để nâng cấp lưới điện từ 1 pha lên 3 pha để vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ nhu cầu nuôi tôm của các hộ dân. Mặt khác, Công ty sẽ lắp đặt thêm điện kế đối với các khách hàng nuôi tôm có nhu cầu lắp đặt (đủ công suất cho nuôi tôm), do trước đây các khách hàng này sử dụng điện nuôi tôm chung với điện kế sinh hoạt. “Với việc đầu tư nêu trên, tôi tin rằng trong năm 2017 và các năm tiếp theo việc cung cấp điện phục vụ khách hàng, đặc biệt là các khách hàng nuôi tôm sẽ được thỏa mãn hơn”- ông Dự nói.
Tại Cà Mau, việc thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp (DPL3) cũng đã được triển khai thực hiện trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016. Dự án cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có những vùng nuôi tôm thuộc các huyện Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Trần Văn Thời, tạo điều kiện cho nhân dân các khu vực trên mở rộng và phát triển mới thêm diện tích nuôi trồng. Ông Thiều Văn Minh - Phó giám đốc Công ty Điện lực Cà Mau cho biết, kể từ năm 2014, đến 6 tháng năm 2016, khách hàng nuôi tôm đã đầu tư lắp đặt mới 367 trạm biến áp. Dự án tiếp tục được triển khai kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện năm 2016 với số vốn 27,744 tỷ đồng và đã hoàn thành đồng bộ trong tháng 10/2016.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn