Một cán bộ hải quan cho biết, thông thường, dòng ôtô sang trên 3 tỉ đồng mà người tiêu dùng ưa chuộng là Lexus RX 350. Giá mua tại Mỹ chỉ khoảng 70.000 USD nhưng khi nhập về Việt Nam, người mua phải chịu thuế xuất nhập khẩu 47% giá trị; thuế GTGT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 110%.
Còn theo các đơn vị nhập khẩu, số thuế phải đóng tất cả cho chiếc này là 120.000 USD. Như vậy, khi đến tay người tiêu dùng, giá xe đã lên mức 200.000 USD (gần 4,6 tỉ đồng), đắt gần 3 lần giá trị thực. Hiện Nghị định 116 siết chặt điều kiện nhập khẩu ô tô khiến nhiều doanh nghiệp đang lao đao.
Nếu việc đánh thuế ô tô được chính thức áp dụng thì mỗi năm, người có xe sang (giá từ trên 1,5 - 6 tỷ đồng) phải đóng thuế 4,5-15 triệu đồng. Người giàu phải chịu thêm thuế sẽ làm cho việc nhập khẩu xe càng khó khăn hơn.
Giá ô tô ở Việt Nam đắt hơn nhiều so với giá trị thật do phải chịu nhiều loại thuế. Ảnh: Tân Thạnh
Một chuyên gia về ô tô cũng cho rằng nếu việc áp thuế tài sản với xe được áp dụng thì giá ô tô cũng khó giảm vì các hãng trong nước sẽ tiếp tục neo giá, người tiêu dùng vẫn bất lợi.
Ông Phan Trọng Lâm - doanh nhân đang làm việc tại một cảng lớn ở quận 7, TP HCM - nhận định việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô là chưa thuyết phục do người tiêu dùng trong nước đang phải chi trả rất lớn hay nói đúng hơn là đã đóng quá nhiều tiền thuế cho việc mua xe. Vả lại, thông thường, xe sau 10 năm đã khấu hao hết giá trị. Khi vận hành chiếc xe, người tiêu dùng đã phải chịu quá nhiều chi phí khác, như thuế môi trường qua xăng dầu, phí cầu đường…
Theo ông Lâm, cách đây 20-30 năm, nhiều người đã nhìn xa về khổ nạn xe 2 bánh nhưng cơ quan quản lý vẫn cho sản xuất, nhập khẩu xe máy giá rẻ tràn lan thay vì đầu tư vào vận tải công cộng. Rồi nhà nước áp thuế cao với ô tô nhưng lượng xe giá rẻ vẫn ùn ùn nhập về bằng mọi cách.
"Tôi cho rằng nhà nước không nên dùng hình thức đánh thuế tài sản cụ thể là ô tô để nhằm hạn chế xe hay với mục đích bắt người giàu phải đóng thuế nhiều hơn người nghèo" - ông Lâm nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ô tô là tiêu sản. Ở Mỹ cũng đánh thuế ô tô dựa trên giá trị của xe. Tuy nhiên, ở Việt Nam ô tô đã chịu quá nhiều loại thuế rồi. Đã đánh thuế thì không phân biệt giá trị mà đã là ô tô thì xe nào cũng thu vì nó cùng gây ra nhiều tác hại như nhau, thậm chí xe giá trị thấp còn có hại cho môi trường, xã hội hơn.
Lý giải của ban soạn thảo không đi vào lòng dân
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng, cho biết đánh thuế tài sản nhà đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên mới là đề xuất của Bộ Tài chính, Quốc hội còn phải xem xét có quyết định hay không. "Để thuyết phục được Quốc hội, dự thảo dự án này phải lý giải được những vấn đề khoa học, kinh tế - xã hội và đặc biệt phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Quốc hội sẽ không quyết định nếu không tạo được sự đồng thuận và đi trái với xu thế của xã hội" - ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cho rằng căn nhà giá 700 triệu đồng hay 7 tỉ đồng là chưa cần bàn đến, bởi tất cả những con số đó đều là võ đoán. "Có thể nói, lý giải của ban soạn thảo không đi vào lòng dân, không làm rõ được các cơ sở lý luận, cơ sở kinh tế - xã hội về các nội dung đó. Để có một căn nhà 700 triệu đồng trở lên, chúng ta thử tính xem nó đã được cấu thành bởi bao nhiêu loại thuế, phí. Từ vật liệu xây dựng là xi-măng, sắt, thép, gạch đá rồi đến công lao động, khâu vận chuyển… tất cả đều đã phải gánh chịu thuế hết rồi" - ông Nhưỡng phân tích.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với việc thu thuế chuyển nhượng tài sản vì nhà nước là người bảo trợ cho các giao dịch dân sự thì người dân phải nộp thuế cho nhà nước. "Tuy nhiên, nhà nước không nên quá tận thu, đặt ra những thứ thuế tưởng có lý nhưng lại là vô lý. Cách tốt nhất là phải tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội và nhà nước thu thuế ở những giá trị mới, ở những giá trị gia tăng thì mới xác đáng" - ông Nhưỡng nhận định.
Thế Dũng
Theo Sơn Nhung
Người Lao động
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn