Một nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore đã mang lại hy vọng mới cho các giải pháp điều trị ung thư máu, trong đó có việc sử dụng các tế bào gốc hiệu quả nhằm điều trị các bệnh như bệnh máu trắng.
Theo báo Singapore Straits Times, 5 nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Trường Y Duke-NUS và Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH). Tại cuộc họp báo hôm 21/5, nhóm nghiên cứu cho biết họ phát hiện ra một chất hóa học tổng hợp trong phòng thí nghiệm có thể được sử dụng để tăng số lượng tế bào gốc thu hoạch từ dây rốn.
Nhóm nghiên cứu cho biết phát hiện này sẽ giúp vượt qua thách thức hiện nay về mức độ tế bào quá thấp, nhằm giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Theo giáo sư William Hwang, giám đốc y khoa của Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore, một trong các nhà nghiên cứu, sự cần thiết phải phục hồi nhanh chóng là để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Các chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan cũng có thể giảm xuống khi thời gian phục hồi của bệnh nhân được rút ngắn, ông nói thêm.
Mỗi năm có hơn 200 bệnh nhân ở Singapore trải qua các phương pháp điều trị tế bào gốc dành cho các bệnh như bệnh ung thư máu.
5 nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu, bao gồm (từ trái sang) Tiến sĩ Sudipto Bari, Phó Giáo sư William Hwang, Giáo sư Christina Chai, Tiến sĩ Zhong Qixing và Phó Giáo sư Gigi Chiu. Ảnh: Strait Times
Đặc điểm của các tế bào gốc
Nói chung, các tế bào gốc là các tế bào "đàn hồi". Chúng có khả năng tái sinh và phân biệt thành các loại tế bào khác nhau trong cơ thể con người. Chẳng hạn, các tế bào gốc có thể phân tách để trở thành máu, xương và gân, cùng nhiều thứ khác.
Tiềm năng biến đổi này của tế bào gốc sẽ tạo thành các tế bào mới có thể thay thế những tế bào thoái hóa, khiến liệu pháp tế bào gốc trở thành chủ đề của nghiên cứu y học.
Nhưng có nhiều loại tế bào gốc khác nhau trong cơ thể, một số có tính "đàn hồi" hơn những loại khác. Khi các tế bào gốc phân biệt, chúng trở thành các tế bào tiền thân, chuyên biệt hơn và có tuổi thọ ngắn hơn.
Các tế bào trung gian này bao gồm những tế bào được tìm thấy trong tủy xương hoặc máu ngoại vi. Chúng được coi là tế bào tiền thân tạo máu. Những tế bào tiền thân tạo máu này tái sinh để hình thành các tế bào cấu thành các tế bào máu đỏ, tiểu huyết cầu và các tế bào của hệ thống miễn dịch. Khi nói đến điều trị ung thư máu, tế bào gốc và tế bào tiền thân tạo máu đều quan trọng.
Liệu pháp điều trị như thế nào
Để giúp khôi phục tủy xương khỏe mạnh ở những bệnh nhân bị bệnh bạch cầu, tế bào gốc và tế bào tiền thân tạo máu sẽ được tiêm vào bệnh nhân.
Sau khi vào máu, các tế bào gốc di chuyển đến tủy xương và bắt đầu tạo ra các tế bào máu mới. Điều này giúp kích thích sự phát triển tủy xương mới và phục hồi hệ miễn dịch.
Những tế bào này thường được thu hoạch từ dây rốn, máu ngoại vi hoặc tủy xương.
Nhưng phương pháp điều trị này vẫn có những thách thức. Bởi vì thu hoạch tế bào gốc tủy xương liên quan đến một số sự xâm lấn. Đối với máu ngoại vi, các tế bào được thu thập thường có nhiều tế bào miễn dịch hơn. Những tế bào này có thể lần lượt tấn công bệnh nhân và gây ra các tác dụng phụ.
Tuy nhiên, dây rốn vẫn rất hứa hẹn vì nó chứa số lượng tế bào gốc không phân biệt cao nhất. Song số lượng của chúng thường không đủ cao để phục hồi nhanh chóng ở bệnh nhân người lớn.
Điều này dẫn đến thời gian hồi phục dài nhất trên 25 ngày ở một bệnh nhân trải qua ca cấy ghép dây rốn, so với 14 ngày hồi phục sau khi cấy ghép máu ngoại biên và thời gian phục hồi 18 ngày từ ghép tủy xương.
Các phát hiện
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một cách tăng số lượng tế bào gốc tạo máu như vậy từ máu dây rốn bằng cách sử dụng một chất tổng hợp trong phòng thí nghiệm được gọi là C7, tổng hợp trong Phòng Dược NUS.
Họ phát hiện ra rằng chất này có thể mở rộng số lượng tế bào gốc tạo máu trong dây rốn thông qua nuôi cấy tế bào.
Giáo sư Hwang, cũng là một chuyên gia tư vấn cấp cao của khoa huyết học tại SGH, nói: "Có những trường hợp không thể tìm thấy tủy xương hoặc tế bào gốc máu ngoại vi hoàn toàn phù hợp cho bệnh nhân, máu dây rốn là nguồn duy nhất".
Nhưng trong điều kiện hiện tại, số lượng tế bào thấp từ các phương pháp điều trị dùng máu dây rốn dẫn đến thời gian phục hồi dài.
"Dòng máu rốn mở rộng (sử dụng C7) sẽ là một lựa chọn cứu giúp bệnh nhân", ông nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết các thử nghiệm liên quan trên chuột có kết quả rất khuyến khích, vì nó cho thấy tế bào gốc tăng lên theo số lượng và không chết.
Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa năm 2019. Với sự hỗ trợ từ các đối tác công nghiệp, Giáo sư Hwang cho biết ông lạc quan rằng liệu pháp tế bào gốc có thể áp dụng cho bệnh nhân trong vòng 5 năm tới.
Hoàng Lan
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn