“Thu hút đầu tư nước ngoài không như mong đợi, lại thêm hậu quả nghiêm trọng về môi trường và chuyển giá. Thâm hụt ngân sách vẫn lớn, dẫn đến nợ công tăng cao, trong đó nợ Chính phủ đã vượt trần”, ông Ngân khái quát.
Trước yêu cầu giảm nợ công, ông Ngân cho rằng cần phải tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Nhà nước không cần nắm giữ những lĩnh vực và tư nhân có thể làm.
“Cần giải thể nhanh những DN và khu vực kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ”, ông Ngân kiến nghị.
Đồng tình, đại biểu Huỳnh Thành Đạt tán thành phải tái cơ cấu, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu DN nhà nước. Ủng hộ thoái vốn quyết liệt ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ để lấy vốn đầu tư, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. Ông Đạt cho rằng: “Cần cho phá sản những DN nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài, dù đau nhưng phải kiên quyết, tránh tình trạng “chết mà không chôn”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần giải thể nhanh những DN và khu vực nhà nước làm ăn thua lỗ. Ảnh: CHÂN LUẬN
Trong khi đó, đại biểu Phạm Phú Quốc cho rằng cần có cơ chế khuyến khích để các tập đoàn, DN lớn phát triển. “Chúng ta còn nếu thiếu vắng các DN đầu đàn, trong khi lại thành lập ồ ạt các DN nhỏ và vừa thì nền kinh tế khó mạnh lên được”, ông Quốc đánh giá.
Đối với kinh tế TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét TP.HCM đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung, kể cả về tăng trưởng và thu ngân sách. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM kiến nghị bằng văn bản với Trung ương về vấn đề tỉ lệ ngân sách trích lại nhằm tạo TP.HCM chủ động nguồn lực phát triển. “Cử tri TP.HCM cũng cho rằng Trung ương cần đầu tư nguồn lực để cho TP.HCM phát triển, từ đó tác động trở lại đối với sự phát triển cả nước”, bà Tâm nói.
Cũng trong phiên thảo luận tổ sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (ĐBQH Hà Tĩnh) cho rằng trước đây DN nhà nước đã được cổ phần hóa rất nhiều nhưng tổng vốn hóa rất ít. Do đó, lần này Chính phủ nhất quán quan điểm các DN Nhà nước có điều kiện thoái vốn hết và cổ phần hóa dứt khoát phải lên sàn chứng khoán . Những DN nào trốn tránh lên sàn cần phải công khai lên các phương tiện thông tin.
Đối với các DN nhà nước thua lỗ đã từng xin cơ chế về thuế, chính sách ưu đãi,… cần có sự phân loại: DN thua lỗ do khách quan và chủ quan. Trong đó, nếu DN thua lỗ do khách quan với khả năng tái cơ cấu được sẽ tập trung tái cơ cấu. Với những DN nhà nước thua lỗ chủ quan thì Nhà nước không bỏ thêm tiền vào, không cứu bằng mọi giá và phải xử lý trách nhiệm lãnh đạo DN.
Đoàn ĐBQH TP.HCM thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.Ảnh: CHÂN LUẬN
Về phần các ngân hàng, Phó Thủ tướng cho rằng: "Nhà nước không thể cứu mãi các ngân hàng làm ăn yếu kém. Nếu cứ làm ăn yếu kém rồi lại để Nhà nước lo bằng cách mua lại 0 đồng mãi là không thể được".
Phó Thủ tướng cũng lưu ý chúng ta không nên lẫn lộn giữa sử dụng "ngân sách Nhà nước" và sử dụng "nguồn lực Nhà nước" trong vấn đề xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vấn đề cân nhắc trong thời gian tới là có nên sử dụng ngân sách Nhà nước hay không, còn về nguồn lực Nhà nước thì trên thực tế đã dùng đến.
Ông Huệ dẫn chứng trong 100 đồng mà các ngân hàng sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro thì có tới 25 đồng là tiền thuế nhẽ ra phải nộp cho Nhà nước. Đây chính là một cách gián tiếp Nhà nước hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng, hay nói cách khác là đã dùng 25 đồng nguồn lực Nhà nước trong xử lý nợ xấu.
Phát biểu thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ hiện có nhiều lĩnh vực đã và đang tái cơ cấu như đầu tư công, hệ thống tài chính , ngân hàng, DN nhà nước, nông nghiệp… Nhưng để làm được điều này cần phải có nguồn lực để thực hiện chứ không thể nói miệng là được.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn