Lãi tiền triệu mỗi ngày
Năm 2014, nghề cắt tóc - gội đầu là 1 trong 10 nghề có thu nhập thấp nhất nước Mỹ. Theo đó, mức lương họ được hưởng chỉ 9,09 USD/giờ, chỉ cao hơn lương nhân viên chế biến đồ ăn nhanh là 0,02 USD/giờ.
Hầu hết những người làm nghề này đều coi đây là công việc tạm thời, đủ trang trải cho cuộc sống trước khi họ tìm thấy một công việc cho thu nhập tốt hơn. Những người làm nghề gội đầu tại Mỹ sẽ rất khó có được một cuộc sống sung túc, đầy đủ.
Ở Việt Nam, nhân viên ngành này cũng chỉ có mức thu nhập trung bình 5-10 triệu đồng (tùy thời vụ). Thế nhưng, đấy là làm thuê, còn nếu đã sở hữu một salon tóc, thậm chí một tiệm làm đầu nho nhỏ, mức thu nhập sẽ cao gấp nhiều lần.
Cắt tóc là một nghề mang lại thu nhập cao
Theo lời chia sẻ của anh Vũ Linh (chủ một cửa hàng tóc nam nữ ở Phú Đô - Hà Nội) cho biết: “Từ sau kỳ nghỉ Tết, tiệm tóc của chúng tôi có ít khách hơn. Nhưng lượng khách quen vẫn đến tiệm sửa sang, uốn nhuộm. Nhất là cuối tuần được nghỉ làm nên họ ra cắt tỉa lại tóc, gội đầu đông hơn”.
Anh Vũ Linh cũng cho hay, tiệm tóc của anh ngoài khách quen, những ngày này còn chủ yếu là khách nam vào cắt tóc. Trung bình một ngày có trên 10 khách nam cắt tóc chưa kể khách nữ uốn, sấy gội đầu. Nhẩm tính, trừ hết chi phí, một ngày tiệm tóc này cũng phải thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
Chia sẻ về mức thu nhập “khủng” mà mọi người gán cho, anh Vũ Linh cho rằng: “Nhiều người nói làm nghề này có nhiều tiền, thu nhập ổn nhưng mà cũng vất vả lắm. Mỗi ngày chúng tôi đều phải đứng khá lâu thậm chí lên đến vài tiếng đồng hồ để cắt tóc liên tục cho khách. Chưa kể, chi phí thuê cửa hàng cũng đắt đỏ, nếu như không phải thuê cửa hàng thì thu nhập cũng ổn, làm giàu được nhanh”.
Tốt nghiệp đại học Mỏ - Địa Chất, nhưng anh Tính lại chuyển hướng đi của mình sang làm… thợ cắt tóc. Khi mới ra trường, do đặc thù công việc nên nếu bám trụ với nghề, cũng có nghĩa anh Tính sẽ phải xa Thủ đô. Trong khi đó, gia đình anh lại ở Hà Nội, không muốn con cái xa nhà, vì thế, dù ra trường hơn 1 năm, nhưng anh Tính vẫn chưa xin được một nơi làm việc phù hợp.
"Trong lúc chờ đợi xin việc, tôi quyết định học nghề cắt uốn tóc nam nữ. Sau 2 tháng, tôi đã mở tiệm riêng, lúc đầu ít khách, mỗi ngày tôi cũng kiếm được từ 500 – 1 triệu đồng. Còn bây giờ đông khách, có ngày thu nhập cũng hàng triệu đồng", anh Tính, chủ tiệm cắt uốn tóc trên đường Ngọc Hà, Hà Nội tâm sự.
Nguyễn Bình, một chàng trai ở ngoại thành Hà Nội, 26 tuổi, chưa vợ, nhưng đã sở hữu một chiếc xe ô tô tầm trung. Anh cho biết, số tiền đủ sống và dư dả mua xe nhờ vào công việc của salon tóc rộng chưa đầy 20m2 trong phố.
Theo anh, sở dĩ “không nghèo được”, bởi lợi nhuận từ nghề là rất lớn, đặc biệt làm tóc nữ. Chàng trai 26 tuổi tính toán: tiền thuê địa điểm khoảng 13-15%, sản phẩm tiêu thụ cho khách hàng 2%, quảng cáo dao động 3-5% và các chi phí phát sinh 3%. Mức chi trả lớn nhất cho nhân viên khoảng 15%. Như vậy, trừ đầu trừ đuôi, công chủ làm đã thu về tiền lãi khoảng 50-60% trên mỗi khách hàng.
Học nghề nhanh, rủi ro ít
Thông thường, mỗi khóa học nghề thường kéo dài từ 2 tháng đến 1 năm, tùy theo khả năng của mỗi người. Tại các trung tâm dạy nghề, học viên sẽ được đào tạo một cách bài bản hơn với các môn học lý thuyết và thực hành kết hợp.
Còn tại các tiệm tư nhân, học viên mới vào học sẽ được coi là người thợ phụ "sai vặt", làm đủ thứ việc, từ gội đầu, dọn dẹp cửa hàng, đến làm “chân chạy” chuyên đi lấy thuốc hoặc các dụng cụ cho quán. Thời gian học ra nghề luôn tùy thuộc vào thầy và sự tỉ mỉ của người học.
Đối với cắt tóc nam thì thời gian để thành nghề thường không dài bằng cắt tóc nữ, chỉ khoảng 2 tháng là có thể bắt đầu hành nghề đi cắt tóc cho khách, vì các kiểu tóc nam thường khá đơn giản.
Học phí tại các trung tâm học nghề thường dao động từ 700.000 – 3.000.000 đồng/tháng tùy vào chương trình học và địa điểm học.
Tuy gặp một số rủi ro nhưng chưa ai nghĩ đến việc bỏ nghề cắt tóc
Dù thu nhập ổn, thế nhưng, các chủ salon cũng phải đối đầu với một số rủi ro.
Chị Nguyễn Thúy Hòa (chủ cửa hàng cắt tóc gội đầu nữ) tại Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Thu nhập có thể khá, nhưng có những lúc chúng tôi nhuộm tóc cho khách phải tiếp xúc thuốc nhuộm nên cũng có ảnh hưởng đôi chút đến sức khỏe, hoặc mùa đông gội đầu cho khách nhiều thì bong tróc hết cả da tay. Nghề nào cũng có 2 mặt của nó mà”.
Từng làm thuê cho các salon hơn 4 năm trước khi tự làm riêng, chị Nhung - chủ một salon tóc tại mỹ Đình, cho biết, làm thuê ở cái nghề này chẳng bao giờ có cơ hội thăng tiến, huống chi nghĩ đến cơ hội làm giàu. Vì thế, để kiếm được học trò giỏi, trung thành là điều rất khó. Tâm lý của thợ là học lành nghề, có chút vốn, rồi ra làm riêng. Đây là điều mà gần như chủ salon nào cũng phải đối mặt.
“Để đào tạo một thợ giỏi không khó, nhưng giữ chân họ là việc cực kỳ khó”, chị Nhung cho hay.
Và chị Nhung cũng phải thừa nhận, làm tóc lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Không nói tới hóa chất, chỉ thường xuyên tiếp xúc với nước và tóc vụn đã ảnh hưởng trực tiếp tới da tay và đường hô hấp. Thế nhưng ở các salon Việt Nam, làm tóc mà thợ đeo khẩu trang thì lại gây phản cảm với khách hàng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn