Trả lời câu hỏi này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, nhiều hàng hóa khi sử dụng sẽ thải ra môi trường các loại chất thải ô nhiễm gây tác động xấu đến môi trường, trong đó có nhiều hàng hóa khi sử dụng thải ra môi trường gây tác hại nghiêm trọng.
Để giảm các tác động có hại đến môi trường và có nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường, hiện nay có một số chính sách thuế, phí, lệ phí thu vào việc sử dụng các hàng hóa này. Ví dụ như phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT đối với chất thải rắn, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản…
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: “Luật Thuế BVMT quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế, tuy nhiên thép là mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Qua đánh giá tổng thể khung thuế BVMT hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm: xăng dầu , túi ni lông, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC).
Luật Thuế BVMT quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế, tuy nhiên Bộ Tài chính chỉ đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm: xăng dầu, túi ni lông, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC). Ảnh: minh họa
Tuy nhiên, đối với 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT còn lại, trong đó có than đá, Bộ Tài chính không đề xuất điều chỉnh khung thuế do mức cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế”.
Theo lý giải của Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế, ông Phan Thế Ruệ, cho rằng, không riêng gì đối với xăng dầu, mỗi năm nước ta nhập khoảng 500 nghìn tấn hóa chất, đây cũng là loại mặt hàng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường thì cũng cần phải áp thuế môi trường. Hay như chính sách đầu tư của các doanh nghiệp FDI cũng tác động nhiều đến môi trường… Tất cả đều phải thu thuế thì mới công bằng.
Thu thuế môi trường phải phục vụ cho môi trường!
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng khung thuế BVMT đối với xăng thì dứt khoát phải sử dụng nguồn thu này tập trung vào việc sử dụng để bảo vệ môi trường do xăng dầu gây ra mới hợp lý. Nhưng hiện nay thuế BVMT được sử dụng cho công tác BVMT chưa rõ ràng, chưa tương xứng, thu nhiều nhưng chi thì rất ít.
Lý giải vấn đề này, phía Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của ngân sách nhà nước (NSNN), thuế BVMT là khoản thu NSNN và được sử dụng chỉ thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật NSNN như: Chi cho đầu tư phát triển, chi đảm bảo xã hội… Trong đó, việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến BVMT như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông… cũng là để BVMT.
Theo ông Phạm Đình Thi, không phải cứ chi trực tiếp cho môi trường mới nói là BVMT. Do vậy, chúng ta phải đánh giá tác động của nó không chỉ đánh giá trực tiếp, mà còn phải đánh giá gián tiếp, đó là thông qua các dự án này cũng là để BVMT.
“Cứ rạch ròi rằng chỗ này là BVMT, còn chỗ kia không BVMT thì rất khó cho chính sách”, ông Thi nói.
Cũng theo ông Thi thì hiện nay, riêng đối với kinh phí BVMT đều phải đảm bảo chi đúng theo quy định. Hiện nay Bộ Tài chính đang chi 1%, đây là chi trực tiếp cho sự nghiệp BVMT còn những cái tuy không trực tiếp nhưng cũng là để BVMT.
“Không thể nói thu nhiều hay ít là không sử dụng đúng mục đích, ở đây chúng ta thực hiện đúng theo Luật NSNN”, ông Thi khẳng định thêm.
Tuy nhiên, chuyên gia Phan Thế Ruệ cho rằng: “Quan trọng là nếu điều chỉnh nâng khung thuế BVMT thì việc thu thuế môi trường phải phục vụ cho môi trường! Phải có đề án khoa học rõ ràng trình lên Quốc hội rồi mới đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế BVMT”.
Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 3/4/2017: Giá xăng dầu của Việt Nam đang đứng thứ 137 nước từ cao đến thấp, chỉ có một số ít nước khai thác dầu thô có giá xăng dầu thấp như Mỹ đứng thứ 152, Nga đứng thứ 153. Về tỷ lệ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT và thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp: 37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazut. Trong khi đó, một số nước như Hàn Quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn