Cụ thể, doanh số bán hàng toàn thị trường tăng 5,9% so với tháng trước, đạt 23.232 chiếc. Lực đẩy chính kéo thị trường đi lên là lượng tiêu thụ xe du lịch tăng lên 20,6% so với tháng 4, trong khi xe thương mại và xe chuyên dụng lần lượt giảm 5,8% và 21,7%.
Xét theo sản lượng lũy kế, trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng tiêu thụ toàn thị trường đạt 109.903 chiếc, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so sánh cùng kỳ các năm trước, có thể dễ dàng nhận thấy thị trường ô tô đã không còn giữ được đà tăng trưởng.
Kết quả bán hàng của ngành ô tô trong 5 tháng đầu năm giai đoạn 2013-2017 (đv: chiếc). Nguồn: VAMA, VDSC.
Thời điểm thuế giảm càng cận kề, thị trường gánh chịu tác động tiêu cực lớn từ tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng. Để đẩy được sản lượng và giữ thị phần trước đối thủ, các DN ô tô buộc phải thực hiện chiến lược giảm giá cho dù có những DN sẽ không hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Trong tháng 5, một số hãng vẫn tiếp tục đưa ra những chương trình giảm giá, khuyến mãi và các gói ưu đãi nhằm kích cầu. Tuy nhiên, việc liên tiếp hạ giá lại đưa người tiêu dùng đến tâm lý phản ứng ngược, người tiêu dùng băn khoăn chờ đợi liệu giá có tiếp tục giảm, điều này vô hình trung khiến thị trường khó có được sự phục hồi trở lại.
Bên cạnh đó, nhiều DN cho rằng hiện nay giá ô tô đã chạm đáy, khó có khả năng giảm sâu hơn được, điển hình là hai dòng xe Kia và Mazda của Thaco sẽ không còn tung ra chương trình giảm giá mạnh như trước.
Mặc dù vậy, lượng tiêu thụ xe nhập khẩu vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo báo cáo của VAMA, mặc dù lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) trong tháng 5 tăng nhẹ 1,2% so với tháng 4 nhưng sản lượng cộng dồn 5 tháng đã giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số lượng bán ra của xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đã quay lại đà tăng của mình, tăng 19,8% so với tháng trước, lũy kế 5 tháng tăng 16,32% so với cùng kỳ. Có thể thấy các doanh nghiệp ô tô nước ngoài đang chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu ngày càng nhiều.
Doanh số bán xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước (đv: chiếc).Nguồn: VAMA, VDSC.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xe nhập khẩu trong tháng 5 giảm mạnh 25% so với tháng trước nhưng số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia vẫn tăng đột biến. Cụ thể, số xe ô tô được nhập về từ Thái Lan tăng 97,7%, đạt 3.906 chiếc, và nhập từ Indonesia tăng 71,9%, đạt 2.702 chiếc. Đáng chú ý, chỉ còn vài tháng nữa, thuế nhập khẩu từ ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0%.
Thực tế, chỉ có những dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa trong khối ASEAN từ 40% trở lên mới được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%, trong khi mỗi hãng xe chỉ có từ 1-2 mẫu xe đạt tỷ lệ nội khối từ 40% trở lên. Chưa kể năm 2018 Việt Nam sẽ áp dụng các hàng rào kỹ thuật cũng như có khả năng áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Số lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2017 (đv: chiêc). Nguồn: VAMA, VDSC.
Mặc dù thị trường chung không mấy khởi sắc, nhưng thị trường xe sang vẫn rất sôi động. Doanh số bán hàng của Mercedes – Benz Việt Nam (MBV) trong tháng 5 vẫn giữ được đà tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Các dòng xe của MBV không chịu ảnh hưởng trực tiếp của lộ trình giảm thuế nhập khẩu, một số mẫu xe có dung tích xy lanh trên 2.0L sẽ phải tăng thuế TTĐB vào năm 2018.
Kết quả bán hàng của Mercedes – Benz trong năm 2016 và năm 2017 (đv: chiếc). Nguồn: VAMA, VDSC.
Đó là nguyên nhân chính khiến lượng tiêu thụ xe của MBV tăng khá và được dự báo sẽ tiếp tục sôi động từ nay đến cuối năm 2017.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn