Trong đó, tổng thu ngân sách tính đến thời điểm 15/9 là 665.200 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 530.000 tỷ đồng. Cùng thời điểm, tổng chi ngân sách đạt hơn 819.400 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển là 130.200 tỷ đồng (chiếm 16% tổng chi); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 574,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 70%); chi trả nợ hơn 109.000 tỷ đồng (13%)...
Xe công ngốn ngân sách mỗi năm 320 triệu đồng/xe. Hiện cả nước có khoảng 40.000 chiếc xe công (ảnh Bích Diệp)
Như vậy, xét cân đối thu - chi của ngân sách tính đến nửa đầu tháng 9/2016, ngân sách Nhà nước bội chi thêm 154.200 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày, ngân sách Nhà nước bội chi khoảng trên 570 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt thấp do ảnh hưởng của giá dầu giảm và tác động của chuyển hướng thương mại, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa nhập khẩu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Trước đó, đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện trần nợ công của Việt Nam gần như chạm ngưỡng 65% mà Quốc hội đề ra. Bội chi ngân sách là 5,7% đã và đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế vĩ mô, trong khi giá dầu giảm, thuế nhập khẩu được bãi bỏ dần và kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng... Bên cạnh đó, các yếu tố tăng trưởng tĩnh như (lao động giá rẻ, tài nguyên, thâm dụng vốn và dựa vào đầu tư nước ngoài) đã cạn kiệt và không tạo xung lực mới, trong khi các yếu tố tăng trưởng động như: nền kinh tế sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu hay nền kinh tế xanh - sạch vẫn chưa phát triển tốt.
Ngoài bội chi ngân sách, đáng chú ý trong báo cáo của Tổng cục Thống kê là số tiền ngân sách Nhà nước đầu tư 9 tháng qua ước đạt 180 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn trung ương quản lý đạt 42.600 tỷ đồng, vốn địa phương quản lý gấp hơn 3 lần đạt 137.400 tỷ đồng.
Trong các đơn vị cấp Bộ sử dụng kinh phí lớn nhất, có Bộ Giao thông - Vận tải được đầu tư ngân sách hơn 15.400 tỷ đồng (chiếm gần 40% tổng vốn trung ương quản lý); tiếp theo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5.059 tỷ đồng; Bộ Y tế 1.983 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo 1.947 tỷ đồng... Riêng một số cơ quan Bộ được cấp kinh phí thấp nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ 215 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và Bộ Thông tin và Truyền thông là 88 tỷ đồng
Về quản lý vốn và cấp phát vốn cho địa phương, số tiền của 63 địa phương quản lý nhiều hơn gấp 3 lần so với số tiền trung ương quản lý, với số tiền hơn 137.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh đạt hơn 96.700 tỷ đồng (chiếm 70%), ngân sách cấp huyện là 33.500 tỷ đồng, tăng 7,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 7.200 tỷ đồng...
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn