Đến ấp 1 hỏi Phong “cá cảnh” không ai không biết, đó là biệt danh mà người dân quý mến đặt cho ông và cũng bởi bản thân lão nông này đã gắn bó, chăm nuôi con cá cảnh suốt 15 năm nay.
Dẫn chúng tôi băng qua những con kênh, bờ ruộng đầy ắp nước, lão nông Nguyễn Tấn Phong giới thiệu cơ nghiệp là 12 ao nuôi cá cảnh, với diện tích khoảng 5ha.
Lão nông Nguyễn Tấn Phong bên ao nuôi cá cảnh. Ảnh: T.Tuấn
Vốc nắm thức ăn quăng xuống ao, từng đàn cá đủ sắc màu đã trồi nhanh lên khỏi mặt nước. Cá cảnh Nhật, cá Nam Dương, cá Koi được nuôi chủ yếu, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Trao đổi với Nhà nông/Danviet, ông Phong cho hay: “Ngày trước tôi nuôi cá thịt bán kiếm lời, nhưng kể từ năm 2002 tôi bắt đầu nuôi cá cảnh. Đó là cơ duyên, khi ấy tôi sang chơi nhà bạn, thấy nuôi đàn cá cảnh đẹp quá. Tôi mang về vài con nuôi thử, đàn cá dễ nuôi chóng lớn. Đêm nằm ngủ tôi bàn với vợ nên bỏ tiền đầu tư nuôi lớn”.
Bỏ công đào ao, chọn nguồn giống, thức ăn, ông Phong tận dụng luôn lao động gia đình để cùng chăm ao cá. Kỹ thuật nuôi của ông Phong không có gì... quá cao xa, cá nuôi theo kiểu truyền thống, tự nhiên.
Một ao nuôi cá cảnh của ông Phong. Ảnh: T.Tuấn
Ông Phong chia sẻ với Nhà nông/Danviet: “Để nuôi cá cảnh ở vùng Bình Lợi này thì có ba điều cần lưu ý. Thứ nhất là canh chừng nguồn nước, hai là lưới để chống cá tạp xâm nhập, tranh ăn với cá cảnh. Cuối cùng là chế độ ăn cho cá phải điều độ. Người nuôi luôn nghĩ về con cá”.
Để làm được ba điều đó thật không hề đơn giản. Nhiều đêm trời mưa gió, ông Phong bật dậy cầm đèn pin chạy tất tưởi ra đồng coi kỹ màu sắc của nước. Các công ty, nhà máy vẫn thường lén lút xả thải ra con kênh. Nước thải ô nhiễm vào ao thì cá cảnh, cá Koi cũng ngắc ngoải chết.
Từng chứng kiến cảnh đàn cá chết vì nước thải ô nhiễm, ông Phong muộn phiền. Đứng nhiều tiếng đồng hồ bên con kênh, ông Phong nghĩ, phải tính toán được chu kỳ nước “độc” xâm nhập. Phải đào ao dự phòng, phải xử lý nguồn nước cho sạch trước khi dẫn vào ao nuôi.
Nguồn nước độc hại, ô nhiễm sẽ giết chết đàn cá. Ảnh: T.Tuấn
Nghĩ là làm, ông Phong lên thành phố tìm mua vôi bột, hóa chất xử lý nước phèn, nước đục. Khi cần đổi nước mới cho cá thì dẫn nước vào từ ao dự phòng.
Ông Phong khẳng định: “Ở vùng này một tháng chỉ có hai lần nước tốt thôi, còn lại toàn nước “độc”, nhiễm phèn nhiễm mặn cả. Bởi thế phải bằng mắt thường quan sát nguồn nước, rồi thử nghiệm, xử lý nước nhiều lần. Chắc chắn an toàn mới đưa vào ao”.
Hiện ao nuôi cá cảnh ông Phong đạt sản lượng tiêu thụ bình quân 500 - 600 kg/tháng, giá bán 120.000 - 150.000 đồng/kg. Bình quân thu vào từ 60 - 150 triệu/tháng.
Phong “cá cảnh” cũng đang dự tính cùng nuôi cá hợp tác với 18 hộ dân khác ở xã Bình Lợi với quy mô rộng đến 30 ha. Sở NNPTNT TP.HCM đang quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho cá cảnh ông Phong. Những hội chợ thương mại, triển lãm sẽ mở cánh cửa thị trường cho cá cảnh vươn xa.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn