Khởi nghiệp là chủ đề thảo luận được chú ý tại Vietnam Summit 2016 do The Economist tổ chức ngày 3/11 tại TP.HCM. Chủ đề quy tụ lãnh đạo các công ty và những người đỡ đầu cho cộng đồng khởi nghiệp.
Theo các diễn giả, một trong những thách thức của cộng đồng khởi nghiệp hiện nay là Việt Nam chưa có luật về đầu tư mạo hiểm, chưa có hành lang pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, cho rằng không thể viện cớ để giải thích cho việc một ai đó không thành công. Không thể nói bởi Chính phủ thế này thế kia được.
Các diễn giả cho rằng Chính phủ đã biết lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp hơn thời điểm 20 năm trước. Ảnh: Hải An. |
“Chúng ta phải ngồi đợi điều tốt đẹp đến với mình hay sao? Thay vì cố gắng làm tốt với những gì hiện có, Việt Nam vẫn nên tiếp tục tinh thần khởi nghiệp dù Chính phủ có giúp đỡ hay không”, ông Minh chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của ông Charles Goddard (Biên tập viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của The Economist), về việc liệu rằng Chính phủ nên tạo ra luật định hay để cộng đồng khởi nghiệp tự do phát triển, ông Eddie Thái (Quỹ đầu tư 500 Startups) cho rằng Chính phủ có vai trò hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, giáo dục.
Tuy nhiên, ông Eddie Thái cũng khẳng định Chính phủ không nên can thiệp vào khu vực tư. Dù có luật định rõ ràng hơn và cũng có những luật bị đánh giá là bước lùi, Chính phủ đang tỏ ra biết lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp hơn thời điểm cách đây 20 năm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Gael McDonald, Hiệu trưởng kiêm Tổng giám đốc Đại học RMIT, cho rằng nên để hệ sinh thái khởi nghiệp tự vận hành.
Theo ông Eddie Thái, cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều thách thức đến từ nhiều phía. Ngay từ khâu thành lập doanh nghiệp, họ đã mất ít nhất 20 ngày để xử lý hồ sơ. Trong khi đó, Malaysia mất có 4 ngày. Cách đây 10 năm, cả Việt Nam và Malaysia mất tới 30-31 ngày.
Theo ông Lê Hồng Minh, một trong những vấn đề của cộng đồng khởi nghiệp là định hướng ngắn hạn. Họ luôn đối diện với câu hỏi liệu rằng đầu tư bao lâu thì thu hồi vốn, sang năm đã có thu lợi hay chưa. Ông Minh đặt câu hỏi: “Sao chúng ta không nghĩ trong 10 năm đầu tiên thì sao?”.
Một câu hỏi ngược được Tổng giám đốc VNG đặt lại cho những người tham dự diễn đàn: “Có ai thật sự tin rằng 5 năm nữa, công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn các doanh nghiệp?”. Trả lời câu hỏi, đa số những người tham gia diễn đàn chọn: “Có”.
Ông Lê Hồng Minh chia sẻ trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã bị ảnh hướng rất lớn bởi công nghệ và mạng xã hội. Ở khu vực Nhà nước, Chính phủ cũng đã tương tác với người dân thông qua các cuộc khảo sát và tham gia mạng xã hội. Đó có thể coi là một dấu hiệu tích cực.
Nhiều diễn giả tìn rằng công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn các doanh nghiệp hiện nay. Ảnh: Hải An. |
Ông Eddie Thái cho rằng có những thách thức và rủi ro đang hiện diện trong cộng đồng khởi nghiệp. Dù vậy, như câu chuyện về những người Việt Nam chiến đấu chống lại thực dân Pháp trong lịch sử, ông Eddie Thái cho rằng thế hệ trẻ có thể học hỏi từ điều đó.
“Không điều gì có thể cấm cản nếu ý chí muốn làm. Đôi khi, tôi thấy tiếc cho thế hệ trẻ như chúng tôi, đừng ngồi đó hối tiếc, nếu thích hãy cứ làm”, Eddie Thái chia sẻ.
Với tư cách là một doanh nghiệp startup, ông Lê Hồng Minh bày tỏ: “Thời điểm đội ngũ của chúng tôi làm việc đoàn kết nhất, không đấu đá, không tranh giành quyền lực nhất là khi chúng tôi sợ đối thủ giành thắng lợi. Chúng tôi hình thành nguyên lý vận hành chung là hướng về phía trước. Đó là động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp”.
Ông Eddie Thái cũng chia sẻ lý do đầu tư cho các công ty công nghệ. “Tại thời điểm hiện tại, chúng ta có thể kiếm nhiều tiền hơn ở lĩnh vực khác. Nhưng tôi thích công nghệ vì khi công nghệ áp dụng vào nông nghiệp, công nghiệp, nó có thể mang lại thành quả lớn. Bố tôi là nông dân, nhưng tôi biết, ông có thể khác hơn nhờ áp dụng công nghệ vào nông nghiệp”.
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn