Theo báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN).
Trong đó, có 7 tập đoàn kinh tế, 76 tổng công ty nhà nước (không bao gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ). Ngoài ra, có 20 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 212 Công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; 337 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp này lên tới trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014 (xét trong cùng số lượng 652 DNNN hiện có năm 2015). Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 35% tổng tài sản. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 93% tổng tài sản. Các Công ty TNHH MTV độc lập còn lại chiếm 7% tổng tài sản.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu khối doanh nghiệp này gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 (xét trong cùng số lượng 652 DNNN hiện có năm 2015). Trong đó, vốn nằm tại khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con trên 1,25 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014, chiếm 91% tổng vốn chủ sở hữu.
Đáng chú ý, chỉ 7 tập đoàn kinh tế nhưng có vốn chủ sở hữu hơn 901.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014; khối các tổng công ty hơn 322.900 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014; khối công ty mẹ - con là 30.379 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014. Như vậy, trong giai đoạn cao điểm tái cơ cấu nhưng vốn chủ sở hữu của khối các DNNN vẫn tăng rất mạnh vào 2015.
Với nguồn lực nói trên, kết quả kinh doanh của các "ông lớn" Nhà nước trong năm vừa qua lại không mấy ấn tượng, sụt giảm so với năm 2014. Cụ thể, tổng doanh thu của các DNNN đạt 1,59 triệu tỷ đồng, tương đương với mức thực hiện năm 2014. Trong đó, khối 7 tập đoàn có doanh thu bị sụt giảm 3% so với năm trước, đạt 960.795 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu các doanh nghiệp toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp đạt 161.431 tỷ đồng, giảm 11% so với thực hiện 2014. Khối 7 tập đoàn giảm mạnh 20% lợi nhuận trước thuế, đạt 101.435 tỷ đồng song vẫn chiếm tỷ trọng 63% tổng lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp toàn quốc.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con giảm còn 12% so với mức 15% đạt được trong năm 2014. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/tổng tài sản bình quân năm 2015 của khối tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con cũng giảm còn 5,3% so với mức 6,3% của năm 2014.
Do hiệu quả kinh doanh giảm sút nên tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của các DNNN chỉ còn 246.038 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện 2014. Trong đó, khối các tập đoàn có tổng số phát sinh phải nộp NSNN giảm 12% - đạt 160.401 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số phát sinh phải nộp NSNN của các doanh nghiệp toàn quốc.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Chính phủ thì chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tổng các khoản phát sinh phải nộp NSNN trong năm 2015 chỉ "sụt giảm nhẹ" so với năm 2014.
Qua kết quả tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 của các DNNN nêu trên, báo cáo của Chính phủ vẫn ghi nhận, hầu hết các DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vẫn tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thông qua hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và công tác chi nhằm thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Đồng thời, các DNNN cũng đóng góp nguồn thu cho NSNN (bao gồm cả phần lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ phải nộp NSNN theo quy định).
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn