Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho hay, Bộ này đang quản lý 51 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi với tổng mức đầu tư 385.567 tỷ đồng, tương đương 17.290 tỷ USD. Đến hết năm 2015 đã giải ngân được 180.810 tỷ đồng, tương đương 8.108 tỷ USD. Năm 2016, Bộ GTVT được giao kế hoạch 17.950 tỷ đồng cho 51 dự án.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong 51 dự án có 31 dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, đang hoàn thiện để quyết toán; 20 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 9.960 tỷ USD, trong đó vốn ODA và vốn vay ưu đãi là 8.330 tỷ USD và vốn đối ứng của Chính phủ là 1.630 tỷ USD.
Hiện có 6 dự án trọng điểm đang “thúc” tiến độ là Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Dự án Xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 - giai đoạn IIA (Ngọc Hồi - Giáp Bát).
Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, những năm trước việc giải ngân vốn nước ngoài được cho phép thực hiện theo tiến độ thực tế của dự án và cam kết với nhà tài trợ. Bắt đầu từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách hàng năm, Chính phủ giao cụ thể số vốn nước ngoài cho Bộ GTVT. Theo đó, trong năm 2016, Chính phủ mới bố trí được 16.250 /27.824 tỷ đồng (tương đương với 58,4%) nhu cầu vốn nước ngoài của Bộ GTVT.
Những dự án ODA hiện nay Bộ GTVT đang triển khai đều là những dự án lớn, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội đất nước và có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế. Các dự án này đang được Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương thi công đáp ứng tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ, do đó nhu cầu giải ngân vốn ODA rất lớn.
“Việc thiếu kế hoạch vốn ODA để giải ngân cho các dự án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân khu vực dự án, gây bức xúc trong dư luận xã hội” - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết thêm, việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án khiến các nhà thầu khiếu nại việc thanh toán chậm. Một số dự án hết hạn giải ngân thì Chính phủ phải bố trí vốn trong nước để chi trả cho khối lượng còn lại của dự án. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài trong việc thực hiện các Hiệp định đã ký kết.
Trong khi đó, với vốn đối ứng việc bố trí cho các dự án ODA những năm vừa qua không đáp ứng đủ và kịp thời nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án ODA. Năm 2016, Chính phủ mới bố trí được 1.700/12.282 tỷ đồng (tương đương 13,8%) nhu cầu vốn đối ứng của Bộ GTVT.
Đầu tháng 7/2016, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bổ sung 11.574 tỷ đồng vốn nước ngoài năm 2016. Đối với vốn đối ứng, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến bố trí cho Bộ GTVT 3.210 tỷ đồng.
Dự kiến, trong quý III, các dự án ODA sẽ cơ bản giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, do đó Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài khoảng 11.000 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 10.000 tỷ đồng.
Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn