Mới đây, khi tổ chức chuyên cung cấp công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư trên thế giới - MSCI (Morgan Stanley Capital International) công bố không đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào xem xét để nâng lên thị trường mới nổi, không ít nhà đầu tư trong nước đã thất vọng. Như vậy, chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục là thị trường cận biên
Không nên chỉ chờ nâng hạng
Trước khi MSCI công bố, giới chuyên môn cũng như những nhà đầu tư kỳ vọng nếu nâng hạng thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được thế giới quan tâm hơn. Sau công bố trên, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều nhận định khác nhau, trong đó tập trung mong muốn thị trường chứng khoán Việt Nam dần hoàn thiện, lành mạnh và ổn định hơn nhằm thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư, chứ không phải chỉ chờ được nâng hạng.
Thị trường chứng khoán cần nâng chất lượng hàng hóa để hấp dẫn nhà đầu tưẢnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Lê Hải Tràm - Phó Chủ tịch HĐQT, phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) - nhìn nhận những phân tích, đòi hỏi của MSCI đối với thị trường Việt Nam còn phiến diện và áp đặt. Ngay cả thị trường thuộc nhóm phát triển như Nhật Bản, những công ty như Japan Airlines, Fuji Media... vẫn có giới hạn sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài theo luật định, chứ không chỉ Việt Nam. Nếu một công ty hoạt động tốt, được các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau nhảy vào theo hiệu ứng "benchmarking" (tập trung vào các cổ phiếu chuẩn mực) thì hết room là chuyện đương nhiên. Quan trọng là Việt Nam có đủ số lượng công ty có quy mô vốn và thanh khoản đáp ứng được các tiêu chí của MSCI. Với những ngành nghề đặt thù như ngân hàng, việc giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ảnh hưởng đến quyền lợi của họ…
Mục tiêu chiếm lòng tin nhà đầu tư
Là người tham gia thị trường chứng khoán từ ngày đầu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận xét Việt Nam nên đáp ứng các tiêu chí được nâng hạng quan trọng hơn việc được công bố nâng hạng.
Theo ông Hưng, tất cả những gì mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần hướng đến là nhằm mục tiêu chiếm lòng tin của nhà đầu tư. Khi đó, thị trường mới có thể trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế . Với thực trạng hiện nay, được nâng hạng là không tốt. Giống như ta được đưa hàng hóa không đạt chất lượng tiêu chuẩn vào siêu thị bán hàng chất lượng cao, người mua sẽ hào hứng tham gia lần đầu vì mới lạ nhưng khi phát hiện chất lượng thấp, họ sẽ không quan tâm nữa.
Mục tiêu của chúng ta là được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong đợt xét lần tới bằng cách nhanh chóng cải thiện để đáp ứng đầy đủ những tiêu chí mà MSCI đã chỉ ra. Khi ấy, vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như định mức tín nhiệm quốc gia sẽ được nâng cao, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư cả về lượng và chất, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
"Không được nâng hạng lần này thực chất không tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Bởi lẽ, nếu được nâng hạng thì tỉ trọng của Việt Nam trong rổ mới nổi là quá nhỏ, trong khi tỉ trọng của Việt Nam trong rổ cận biên lại tăng và được nhắc đến nhiều hơn khi vẫn là thị trường cận biên" - ông Nguyễn Duy Hưng phân tích.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank KimEng, cho rằng việc thị trường chứng khoán Việt Nam không được xét nâng hạng không làm ông bất ngờ. Theo nhiều nhà đầu tư mà ông tham khảo, có thể phải sau năm 2018, Việt Nam mới có thể được MSCI xem xét. Tuy nhiên, thà chưa được xem xét vẫn tốt hơn là sau đó bị loại ra.
Ông Khánh nhận định các tổ chức xếp hạng này về sau đã siết lại các tiêu chí đánh giá theo xu hướng khó hơn chứ không như trước, vì vậy quốc gia, thị trường nào đạt được thì xứng đáng. Theo ông Khánh, ngoài các yếu tố về kỹ thuật, Việt Nam nên chú trọng nâng cao chất lượng thị trường vì hiện nay, hàng hóa mang tính chất đầu cơ nhiều quá, trong khi hàng cơ bản thì ít. Nhiều cổ phiếu tăng giảm bất thường, không ít người giàu nhanh bất ngờ từ chứng khoán… sẽ làm thị trường thiếu niềm tin.
Vừa qua, trong Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á có 10 thương hiệu của Việt Nam nhưng 9 thương hiệu đang bị tuột hạng. Trong đó, một số thương hiệu lại không "thuần Việt". Vì vậy, việc chú trọng nâng chất lượng hàng hóa để thị trường chứng khoán phản ánh được bản chất của nền kinh tế mới quan trọng, hấp dẫn nhà đầu tư ngoại hơn.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích việc xem xét đưa vào "rổ" nâng hạng của MSCI đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là một triển vọng, tác động lớn đến bức tranh chung của thị trường mới nổi. Khi họ chưa xét năm nay thì có nghĩa Việt Nam chưa đạt về tăng trưởng - nhân tố cơ bản của nền kinh tế, chứ không chỉ dựa vào yếu tố đầu cơ, đầu tư trên thị trường chứng khoán. MSCI giống như bộ lọc. Hơn 100 quốc gia đã lọt vào bộ lọc này và đó là tiêu chí mà các nước cần hướng đến, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Nhà đầu tư ngoại vẫn mua ròng Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng rồi (ngày 30-6), chỉ số VN-Index đã tăng 4,72 điểm, lên 776,47 điểm. So với trước ngày MSCI công bố danh sách xem xét nâng hạng thị trường nhưng không có Việt Nam, VN-Index đã tăng thêm 10 điểm (VN-Index ngày 20-6 là 767,99 điểm). Việc chưa được xem xét nâng hạng là tin không vui cho thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng chưa phải là "cú sốc" bởi niềm tin vào thị trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn lớn. Tuần qua, giá trị giao dịch của 2 sàn chính thức vẫn đạt mức 4.000-4.500 tỉ đồng/phiên, không có dấu hiệu sụt giảm so với trước đó. Riêng sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng liên tục khoảng trên dưới 100 tỉ đồng/phiên từ khi thông tin trên được công bố. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn