Anh Khiêm cho biết, anh bắt đầu chơi kiến kiểng được trên 1 năm, chủ yếu kiến được anh bắt ở một số vùng tại tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ yếu loài kiến mà anh Khiêm đang nuôi là kiến nẻ (hay còn gọi là kiến bù nhọt hung dữ và có nọc độc).
“Hiện tôi chơi và kinh doanh 2 loại kiến chính là kiến nẻ (hay còn gọi là kiến bù nhọt) và kiến vàng” – anh Khiêm chia sẻ.
Cận cảnh loài kiến bù nhọt được anh Khiêm nuôi trong hang, hộc có trong bể cảnh do tự anh thiết kế.
Anh khiêm cho biết thêm, trong hai loại kiến anh đang chơi và kinh doanh thì kiến nẻ (bù nhọt) có nọc độc khá hung dữ. Còn loại loài kiến vàng di chuyển và chủ yếu sống ở dưới đất, loài này rất hiền, không có nọc độc.
Loại kiến vàng được anh Khiêm bán giá từ 650.000 đến trên 1 triệu đồng/bộ gồm bể cảnh, dụng cụ và đàn kiến hàng trăm con.
Cũng theo anh Khiêm, thú chơi kiến kiểng rất công phu và mất nhiều thời gian: “Việc chơi kiến kiểng là mô hình mới, hiếm có ở Việt Nam. Chơi kiến không quá tốn kém nhưng mất nhiều thời gian. Bởi để nuôi được kiến người chơi phải đầu tư nhiều công sức từ khâu đi tìm bắt đến khâu xây dựng bể nuôi kiến”.
Theo anh Khiêm, giá trung bình một bộ kiến gồm một bể cảnh, dụng cụ (dụng cụ chuyên dụng để bắt, chăm sóc kiến) và một đàn kiến tùy theo loài có giá từ 650.000 đến trên 1,6 triệu đồng/bộ. Ví như kiến nẻ (bù nhọt) tầm đàn chỉ từ 40 -50 con, ngược lại kiến vàng 1 bộ có thể bán kèm lên đến cả trăm con.“Thời gian đầu bén duyên với kiến chỉ là do đam mê song chơi lâu dần có một số người thích đặt vấn đề muốn mua nên tôi mới bắt đầu có ý tưởng kinh doanh gần 1 năm trở lại đây” – anh Khiêm cho hay.
Đàn kiến vàng được anh Khiêm nuôi trong bể cảnh với phong cách thiết kế khá gần gũi với tự nhiên.
Nói về loài kiến, bác sỹ Ngô Minh Vinh, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) nhận định: Phần lớn loài kiến ngoài tự nhiên đều có nọc độc, nếu người dân nuôi kiến tự phát làm cảnh nên cẩn trọng. Khi nuôi phải nuôi trong bể cảnh kín, không được để kiến thoát ra ngoài sẽ gây nguy hiểm cho người nuôi và gia đình, hàng xóm.
Ngoài bán kiến, anh Khiêm còn làm cả bể chuyên dụng cung cấp cho các dân mê kiến cảnh.
Dụng cụ chơi kiến chuyên dụng cũng do đích thân anh Khiêm thiết kế, cung cấp cho các dân chơi kiến.
Về việc sơ cứu khi bị kiến cắn, bác sỹ Vinh cho biết: Khi bị kiến cắn, đốt nạn nhân cần nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch. Chú ý, không nên gãi lên vết thương, làm cho vết thương bị nhiễm khuẩn và không bôi những chất kích thích mạnh như: dầu nóng, lá cây không phù hợp sẽ làm cho da bị tổn thương trầm trọng hơn. Nên sử dụng các loại kem bôi dịu da chống ngứa.
“Trong trường hợp bôi thuốc không giảm, nạn nhân có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng như: Clorphenirmin, Loratadin,... Nếu tình trạng không cải thiện thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chữa trị kịp thời” – bác sỹ Vinh chia sẻ.
Theo Hải Đăng
Dân Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn