Tại Tọa đàm thúc đẩy Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác khoáng sản theo Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được tổ chức sáng nay (13/9) tại Hà Nội, đông đảo chuyên gia địa chất, học giả đều mong muốn Việt Nam cùng tham gia với thế giới thực hiện sáng kiến EITI để giúp ngành công nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam được quản lý tốt hơn, phát triển bền vững.
TS Phạm Quang Tú, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam khẳng định: Năm 2007, Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tham vấn cho Chính phủ để tham gia EITI. Tuy nhiên, so với lộ trình thực hiện thời gian qua thì cơ quan Bộ được giao là chưa phù hợp.
Sáng kiến EITI minh bạch hóa trong hoạt động khai thác khoáng sản ra đời từ năm 2003 và đến nay thế giới đã có 51 quốc gia áp dụng cơ chế này để giúp giảm tỷ lệ tham nhũng.... Tính đến nay, theo 305 báo cáo EITI cấp quốc gia đã được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên tới 1.900 tỷ đồng.
Việc tham gia EITI giúp các quốc gia xác định được các cơ hội cải thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thu ngân sách và giảm tham nhũng, thất thoát tài nguyên. Thời gian qua, đã có rất nhiều nước tham gia, cả kể các phát triển và đang phát triển như: Mỹ, Nauy, nhiều nước EU và đặc biệt có 4 nước ASEAN tham gia là Indonesia, Myanmar, Philipines và Đông Timor...
Theo ông Tú, Việt Nam tiếp cận và xem xét tham gia sáng kiến EITI từ năm 2007, tuy nhiên bối cảnh của ngành công nghiệp khai thác hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về lợi ích cũng như rào cản, rủi ro nếu Việt Nam chính thức tham gia.
Theo Bà Trần Thanh Thuỷ, đại diện Liên minh khoáng sản Việt Nam: "Chúng tôi được biết, Chính phủ đã giao vấn đề này cho Bộ Công Thương, cụ thể là một Vụ và một cán bộ. Tuy nhiên, quá trình tham vấn ý kiến của cơ quan Bộ, ngành và xây dựng lộ trình báo cáo Chính phủ thì toàn bộ văn bản của Bộ này đóng dấu mật, các thông tin từ năm 2008 đến nay không được tiết lộ ra ngoài".
"Dường như chúng tôi thấy Việt Nam đang áp dụng cơ chế tham vấn và lộ trình ngược so với thế giới. Tiến trình quốc tế là người đứng đầu, sau đó chuẩn bị thư chính thức gửi cho tổ chức EITI thế giới, sau đó lập hội đồng trong nước, có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và bộ ngành khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta đi ngược hoàn toàn, Bộ Công thương một mình làm nhưng không có sự tham gia của các Bộ ngành nên rơi vào bế tắc. Có lẽ Việt Nam đã quá cẩn trọng trong khi thế giới áp dụng và có hiệu quả", bà Thủy nhấn mạnh.
Đóng góp vào vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Chúng tôi tìm hiểu qua các DN lớn họ đều mong muốn tham gia EITI, đặc biệt là các DN làm ăn nghiêm túc và đòi hỏi bài bản. Có những DN nộp khoản phí thuế hàng năm vào môi trường, nhưng không biết dùng nguồn tiền đó vào đâu và cảm thấy rất bức xúc".
Tại sao Việt Nam lưỡng lự tham gia vào EITI trong khi các nước Châu Phi, Trung Đông đã tham gia lâu rồi nhưng từ năm 2007 đến nay lộ trình vẫn chưa đi đến đâu. Dường như Việt Nam chọn sai cơ quan chủ trì, hiện Bộ Công Thương được giao chủ trì đánh giá, tiếp thu ý kiến và tham vấn Chính phủ. Tuy nhiên, khi hành xử, Bộ này lại cân nhắc lợi ích giữa quản lý Nhà nước với quan hệ với các tập đoàn lớn. Theo quan điểm của tôi, cần đưa vấn đề nghiên cứu, tham vấn Chính phủ về Bộ Tài Nguyên, Bộ Tài Chính hoặc Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội hoặc lập một Ủy ban tổng hợp tiến trình gia nhập EITI sẽ nhanh hơn.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn