Theo văn bản số 4679/TCT-KTNB gửi cục thuế các địa phương, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lưu ý, thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước để thành lập doanh nghiệp hoặc mua bán doanh nghiệp với mục đích in, phát hành và mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm về mua bán, in, phát hành quản lý và sử dụng hóa đơn hàng hóa, dịch vụ, song việc triển khai ở các địa phương còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.
Trước tình hình trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã yêu cầu các Cục trưởng Cục thuế và Chi cục trưởng Chi cục thuế tổ chức ngay việc nhận dạng các doanh nghiệp có khả năng in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Tiêu chí nhận dạng được lãnh đạo ngành thuế đưa ra là: Các cơ sở mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) không đóng góp vốn điều lệ theo quy định, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Bên cạnh đó là các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng hoặc không có kho hàng hóa, không có xưởng sản xuất, hoặc lực lượng lao động không tương xứng (dưới 10 lao động).
Ngoài ra, một dấu hiệu nhận dạng khác là các doanh nghiệp xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại, thay đổi người đại diện trước pháp luật, thay đổi trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan quản lý thuế.
Các đơn vị địa phương cũng được lưu ý về trường hợp các doanh nghiệp mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng; các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp vừa có doanh thu đột biến tăng từ 50% trở lên nhưng số thuế GTGT phát sinh phải nộp thấp (thuế GTGT phải nộp chiếm từ dưới 1% doanh số phát sinh trong kỳ.
Các doanh nghiệp có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ tăng đột biến so với bình quân các kỳ trước (tăng 2 đến 3 lần) hay doanh nghiệp không có thông báo phát hành hóa đơn, hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo). Doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2.000 số hóa đơn), số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiến khoảng 20% số hóa đơn đã sử dụng. Doanh nghiệp không nộp báo cáo tài chính, hoặc có nộp báo cáo tài chính nhưng thu nhập chịu thuế trong kỳ phát sinh thấp (dưới 100 triệu đồng)...
Đây là những dấu hiệu cơ bản để các cơ quan thuế ở địa phương phát hiện xử lý vi phạm về mua bán, in, phát hành quản lý và sử dụng hóa đơn hàng hóa, dịch vụ
Thông qua những tiêu chí nói trên, ông Bùi Văn Nam yêu cầu Cụ thuế, Chi cục thuế các địa phương thành lập thành lập Ban chỉ đạo (giao cho một phòng kiểm tra, đội kiểm tra thuế làm đầu mối) để chỉ đạo các phòng, chi cục thuế tổ chức triển khai.
"Ngay trong tháng 10/2016 mỗi cục thuế thành lập một Tổ chuyên trách thực hiện việc phân tích, lựa chọn tối thiểu 20 doanh nghiệp có rủi ro cao về in, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để tổ chức kiểm tra", văn bản chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu rõ.
Đồng thời yêu cầu, trong quá trình triển khai thực hiện, phát hiện các hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan truyền thông để xử lý, đưa tin nhằm răn đe, chặn đứng hành vi vi phạm về hóa đơn trên địa bàn.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn