Nọc độc của rắn cạp nia tác động lên hệ thần kinh, làm tê liệt tứ chi, khiến nạn nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp.
Theo phác đồ điều trị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, rắn cạp nia cắn là cấp cứu thường gặp ở mọi lúc, mọi nơi. Việt Nam có 60 loài rắn độc, tuy nhiên cạp nia là một trong số loài độc nhất.
Rắn cạp nia có đầu thon mảnh, con ngươi tròn, trên thân có các khoang màu đen, trắng xen kẽ. Chúng có tiết diện ngang hình tam giác, đoạn từ hông xuống đuôi dẹp dần thành điểm nhọn.
Hai loài độc nhất được ghi nhận là cạp nia miền Bắc và cạp nia miền Nam. Ngoài ra, các loài cạp nia sông Hồng, đầu vàng khá phổ biến.
Rắn cạp nia miền Nam. (Ảnh: Pinterest).
Đa số nạn nhân là người lao động tại vườn, lội nước khi đánh bắt cá, vô tình bị cắn khi đi bộ trên đường. Những người đang ngủ ngoài đồng, nền nhà thường bị cạp nia bò vào cắn.
Khi bị rắn cạp nia cắn, thông thường, nạn nhân không có biểu hiện triệu chứng. Vị trí vết thương có hai vết móc nhỏ như đầu kim. Sau vài giờ, bệnh nhân bắt đầu bị liệt các cơ từ vùng đầu, mặt, cổ, cơ liên sườn, cơ hoành, cuối cùng là các chi.
Nạn bị sụp mí mắt như buồn ngủ nhưng không nhắm kín mắt. Đồng tử giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng là một trong dấu hiệu đặc trưng ở người bị rắn cạp nia cắn.
Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố tiền và hậu synape gây liệt mềm kéo dài. Trong đó, nọc rắn cạp nia miền Bắc và miền Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide, gây tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu.
Hầu hết trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, hồi sức và thở máy.
Rắn cạp nia có đầu thon mảnh, con ngươi tròn, trên thân có các khoang màu đen, trắng xen kẽ. (Ảnh: Flicrk).
Dùng huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia là phương thức điều trị tối ưu nhất. Người bệnh bị rắn cạp nia cắn được dùng huyết thanh đủ liều (20-30 lọ) tiêm truyền tĩnh mạch sẽ chóng được rút ống nội khí quản và ngưng thở máy. Thời gian điều trị trung bình cho người bị rắn cạp nia cắn nếu có huyết thanh kháng nọc là 3-5 ngày.
Trường hợp không có huyết thanh, nạn nhân cần được đặt ống nội khí quản và thở máy bắt buộc. Thời gian gian thở máy có thể kéo dài 2-4 tuần. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng do thở máy kéo dài như viêm phổi bệnh viện, viêm loét do tỳ đè, suy dinh dưỡng, tắc đờm ống nội khí quản, loét giác mạc…
Theo TS.BS Lê Xuân Dương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cách đơn giản để phân biệt rắn độc cắn là dấu răng để lại trên da. Rắn độc có thường có hai móc độc ở vị trí răng cửa hàm trên. Do đó, khi cắn, chúng để lại dấu vết đặc trưng. Một số loại rắn dù không ở gần nạn nhân vẫn có thể phun nọc độc.
Nạn nhân bị rắn độc cắn cần được sơ cứu ngay trước khi được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Mục tiêu của sơ cứu là loại bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển từ vết cắn vào trong cơ thể. Sơ cứu đúng cách cũng là bảo vệ tính mạng bệnh nhân, giảm các biến chứng.
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn