Đó là kết quả khảo sát được chia sẻ ở Hội thảo tham vấn “Bình đẳng giới tại trung tâm học tập cộng đồng - các rào cản và giải pháp” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội. Hội thảo là dịp báo cáo kết quả khảo sát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình thúc đẩy bình đẳng giới tại các Trung tâm học tập cộng đồng.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, bình đẳng giới trong giáo dục là yếu tố quan trọng để dân chủ hóa xã hội và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Trong lĩnh vực giáo dục người lớn, vấn đề đặt ra có bối cảnh khác.Việc học tập của người lao động trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp, nghề nghiệp chưa phát triển, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp đang rất khó khắc phục, việc di đân có tính thời vụ từ nông thôn vào thành thị diễn ra liên tục đã đặt ra câu hỏi lớn: Liệu việc học tập của người lớn ở cộng đồng có thực hiện được sự bình đẳng giới hay không?”
Hiện nay, Việt Nam có 11.038 Trung tâm học tập cộng đồng. Có tới gần 99% các xã/ phường/ thị trấn trương nước đã xây dựng và đưa vào hoạt động loại hình học tập gắn với cộng đồng này với mục đích tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời. Hệ thống trung tâm này hàng năm đã giúp cho hàng trăm nghìn người lao động thoát khỏi nạn mù chữ cơ bản, hàng trăm nghìn người được học nghề và hàng năm có tới trên chục triệu người được học các chuyên đề về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, bình đẳng giới trong các trung tâm học tập cộng đồng vẫn chưa được chú ý thực hiện hoặc chưa có kết quả tốt. Điển hình là việc nam giới rất ít tham gia vào các TTHTCĐ.
Kết quả Đề án khảo sát những rào cản đối với việc bình đẳng giới tại Trung tâm học tập cộng đồng do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và tổ chức UNESCO Hà Nội, Hội Khuyến học tỉnh Hòa Bình và Thái Bình triển khai mới đây cho thấy, do nhiều nguyên nhân/ rào cản (khách quan và chủ quan) khác nhau, người dân tham gia học tập tại các TTHTCĐ rất thấp (khoảng 15-20% tính trên tổng số dân của 1 xã) và chủ yếu là nữ. Đáng chú ý, nam giới rất ít tham gia, nhất là những năm trở lại đây.
Bà Nguyễn Lê Vân Dung (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh: “Các rào cản cản trở nam giới tham gia học tập tại TTHTCĐ khiến số lượng nam giới ít hơn nữ giới có nhiều như: quỹ thời gian ít hơn nữ giới do bận làm ăn, kiếm sống ở xa; chương trình lớp học, nội dung, hình thức tổ chức học không phù hợp… nhưng một trong những nguyên nhân lớn nhất vẫn là tư tưởng tự tôn”.
Nhóm thực Đề án có dịp trực tiếp ghi nhận chia sẻ thực tế của cán bộ các tổ chức chính trị xã hội địa phương về rào cản đổi với việc bình đẳng giới. “Tâm lý giới – tự cho mình nhận thức về chuyên đề/ chủ đề đó ổn hơn chị em cũng là rào cản chính đối với việc đi học của nam”, ông Phó phòng GD-ĐT của một huyện chia sẻ.
Hay ông Chủ tịch Hội người cao tuổi của một xã đã phản án thực trạng “Hội Người cao tuổi trên 1000 hội viên cũng đại bộ phận là nữ đi học”. Ông này giải thích: “Phụ nữ thực ra có điều kiện đi học hơn vì các ông đi làm về mệt, không cần quan tâm gì nữa. Nam giới thì cho rằng họ biết hết cả rồi. Các bà cứ việc đi không có thắc mắc gì”.
Chủ tịch Hội phụ nữ của một xã được khảo sát trong đề án cũng bày tỏ: “Nam giới ở địa phương xã nói chung đều đi làm ăn xa (ngoại tỉnh và trong tỉnh) hoặc là do quan niệm đi học tại Trung tâm là chuyện của các chị em phụ nữ, chứ nam giới chúng tôi biết rồi thì không cần đi học nữa. Hoặc là có những trường hợp như chúng tôi tổ chức chuyên đề về chăm sóc sức khở sinh sản thì thực ra chúng tôi có khuyến khích, đề nghị nam giới trong độ tuổi sinh đẻ tha gia nhưng các anh ấy nói rằng việc sinh đẻ là việc của phụ nữ không phải việc của nam giới nên việc tham gia các chuyên đề tại TTHTCĐ là hầu hết nữ giới tham gia. Chứ nam giới các anh ấy rất là ngại”.
Hội thảo là dịp báo cáo kết quả khảo sát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm mô hình thúc đẩy bình đẳng giới tại các Trung tâm học tập cộng đồng.
Ngược lại với tâm lý tự tôn “biết rồi” của nam giới, khó khăn chủ quan lớn trong việc tham gia học tập trong cộng đồng của nữ giới lại bắt nguồn từ tư tưởng tự ti, mặc cảm, xấu hổ, an phận. Phụ nữ đã có chồng con thường an phận, cho rằng có chồng, có con rồi không cần học nữa hoặc tự ti, mặc cảm cho rằng lớn tuổi rồi không thể học được nữa hoặc ngại tham gia hoặc động xã hội, ngại ra ngoài tiếp xúc nơi đông người, đặc biệt nơi công sở.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 3 yếu tố để thúc đẩy bình đẳng giới ở các TTHTCĐ liên quan tới sự nhận thức của xã hội, đặc biệt của người dân; sự quan tâm, cam kết của lãnh đạo địa phương và các yếu tố sư phạm (nội dung, hình thức, phương pháp, địa điểm, thời gian tổ chức…).
Từ kết quả khảo sát các yếu tố thúc đẩy và cản trở bình đẳng giới tại TTHTCĐ, các kiến nghị với Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT, các cấp lãnh đạo địa phương, Hội khuyến học các cấp cùng cán bộ, giáo viên các TTHTCĐ cũng được nhóm nghiên cứu đưa ra trong khuôn khổ hội thảo.
Tại đây, đại diện hội khuyến học nhiều tỉnh sôi nổi chia sẻ những câu chuyện thật, những kinh nghiệm và bài học từ chính những cán bộ địa phương, người dân trong cộng đồng tham gia vào các hoạt động vì một xã hội học tập và phát triển cộng đồng.
Ông Toshiyuki Matsumoto, Chuyên gia Chương trình Giáo dục của UNESCO cho biết: “Tiếp sau hội thảo này, cuốn tài liệu lồng ghép bình đẳng giới vào các hoạt động khuyến học tại trung tâm học tập cộng đồng sẽ được xây dựng và hoàn thiện thông qua việc sử dụng các dữ liệu dựa trên bằng chứng, thông tin và khuyến nghị từ hoạt động đánh gia vừa qua và kết quả từ cuộc tham vấn này”.
Lệ Thu
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn