Nguyễn Hoàng Tân (sinh năm 1998, ngụ khu phố 4, phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) sinh ra thiếu vắng tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Bà Nguyễn Thị Dung (60 tuổi, bà ngoại Tân) chăm sóc, nuôi nấng cháu ngoại từ khi còn ẵm trên tay. Cuộc sống khó khăn, nhiều lần bà nuốt nước mắt định cho Tân nghỉ học nhưng không đành.
Bà Dung kể lại: “Trước đây con gái sống như vợ chồng với một thanh niên nhưng không đăng ký kết hôn, khi mang thai mấy tháng thì người chồng hờ bỏ rơi mẹ con nên tôi phải cưu mang. Khi thằng Tân mới 2 tuổi thì mẹ nó lại đi lấy chồng ở xa để lại cho tôi nuôi dưỡng từ đó đến nay”.
Bà Dung kể về hoàn cảnh nghèo khó không tiền lo cho cháu đi học.
Theo bà Dung, do không có đất sản xuất, bản thân bà sức khỏe yếu nên chỉ nhận róc thuê lá gòn (nguyên liệu làm nhang - PV), mỗi ngày kiếm vài ba chục ngàn đồng để bà cháu sống qua ngày. Người mẹ lấy chồng ở xa cũng sống bằng nghề làm thuê, làm mướn chẳng khá giả nên cũng không chu cấp được gì. Những năm tháng học phổ thông, khi Tân lên được 1 lớp thì khó khăn lại được chồng lên thêm. Những lần như vậy, bà Dung định cho cháu nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình nhưng vì thương cháu nên vẫn cố gắng cho đi học trong túng thiếu.
Tân kể: “Năm học lớp 11, căn nhà của bà ngoại sắp sập mà nhà lại không tiền nên con tính nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp ngoại. May nhờ, mấy thấy cô trong trường động viên, hỗ trợ để con tiếp tục đến lớp. Khi đó, ngoại đến Ngân hàng Chính sách vay tiền cất lại cất lại căn nhà để mấy bà cháu ở. Gia đình vẫn khó khăn nhưng con quyết tâm học để sau này đi làm kiếm tiền đền đáp công ơn của bà ngoại”.
Con đường đất từ đầu hẻm vào nhà bà cháu Tân ngoằn ngoèo hễ ngày mưa thì lầy lội, ngày nước lên lại ngập đến đầu gối. Vì vậy, suốt những năm học phổ thông, Tân phải gửi chiếc xe đạp ở nhà người quen ngoài đầu hẻm rồi đi bộ qua con đường lầy lội để đến lớp. Đường đi khó khăn Tân không sợ mà chỉ sợ bà ngoại không còn khả năng lo cái ăn, tập sách cho Tân đến lớp.
Khó khăn là vậy nhưng nhiều năm liền Tân là học sinh khá, giỏi của lớp. Năm học lớp 12, điểm trung bình của Tân đạt 8,5. Trong đó nhiều môn có điểm số rất cao như: Toán: 9,6; Vật lý: 9,6; Hóa học 9,3. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Tân cũng đạt điểm cao và trúng tuyển vào ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Cần Thơ với số điểm 23,25 ở khối A. Tuy nhiên, khi vừa nhận được tin mừng thì bà ngoại lại rơi nước mắt vì gia cảnh nghèo khó không đủ khả năng lo cho Tân học đại học.
Bà Dung cho biết: “Khi hay tin cháu đỗ đại học tôi vui lắm nhưng nước mặt lại tuôn trào khi không biết vay mượn tiền ở đâu để đóng học phí cho cháu. Trong khi đó, tiền vay ngân hàng để cất lại căn nhà cũng chưa trả xong”. Vậy là một lần nữa Tân lại định bỏ học để đi làm khi đang ở ngưỡng cửa giảng đường đại học.
Những bạn bè học chung năm lớp 12 hay tin tìm cách quyên góp, rồi thầy cô cũng vận động để tiếp sức cho Tân đến trường. Thầy Dương Hoàng Chánh, giáo viên chủ nhiệm Tân năm học lớp 12 Trường THPT Bình Minh cho biết: “Khi hay tin Tân đỗ đại học mà không có tiền đóng học phí tôi đã báo lên Ban giám hiệu để vận động mạnh thường quân, học sinh và thầy cô trong trường tìm cách giúp Tân. Bây giờ, chuyện đóng học phí để nhập học đã tạm ổn nhưng học kỳ sao không biết tìm đâu ra tiền rồi lo chi phí ăn, ở trong suốt quá trình học…”.
Găp 2 bà cháu tại nhà, Tân cho biết mình chịu cực, chịu khổ đã quen nên sẽ ráng hết sức đi học để mai này có nghề nghiệp ổn định giúp ích cho xã hội và lo cho bà ngoại. Chuẩn bị qua Cần Thơ nhập học với kinh phí ít ỏi được bạn bè, thầy cô giúp đỡ, Tân dự định sẽ đi dạy kèm, đi làm thêm bất cứ nghề gì kiếm ra tiền nhằm nuôi ước mơ học đại học dù biết rằng những năm tháng ở phía trước còn rất nhiều gian nan...
Hoàng Trung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn