Cuộc đời bà T. đúng nghĩa là một chuỗi dài tháng ngày bi kịch. Cảnh nhà nghèo khó, người chồng bội bạc đã bỏ bà cùng đàn con nheo nhóc khi đứa lớn chưa khôn còn đứa bé thì ẵm ngửa để đi tìm hạnh phúc mới. Một mình bà gồng gánh, lam lũ chăm lo đàn con lớn khôn. Về già, bà phải chứng kiến cảnh "nồi da nấu thịt" khi 2 đứa con trai trong nhà gây gổ với nhau, một đứa đã mãi mãi ra đi, đứa còn lại chôn chặt tuổi xuân trong tù tội...
1. Nguyễn Hoài Linh là con út trong một gia đình có 7 anh chị em tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Cha mẹ Linh vốn chỉ sinh sống nhờ vào nghề nông, lại sinh đông con nên lâm vào cảnh nghèo khó.
Mỗi đứa con ra đời, vợ chồng họ lại lục đục vì nhà thêm một miệng ăn nhưng không biết nhìn vào đâu để có thêm thu nhập chăm lo cho chúng. Không chịu nổi cảnh cơ hàn, khi Linh mới được vài tháng tuổi, người cha đã bỏ mẹ con Linh đi tìm hạnh phúc mới.
Gánh nặng gia đình đáng lẽ san sẻ làm hai, thì nay trút hết lên vai người mẹ. Một mình nuôi 7 đứa con, bà T. phải làm lụng rất vất vả để kiếm tiền chăm lo cho chúng. Nhưng dù người mẹ đã vắt kiệt sức, vẫn chỉ đủ lo cho đàn con rau cháo qua ngày, bữa đói, bữa no, tiền đâu mà cho chúng đến trường. Những đứa con không học hành, cứ thế lớn lên rồi lang bạt tứ xứ làm thuê, làm mướn đủ thứ nghề để mưu sinh.
Các anh chị dần lập gia đình và sinh sống xa nhà, còn Linh vẫn ở nhà, làm thuê, làm mướn để phụng dưỡng mẹ già. Sau một thời gian, thấy ở quê việc thì ít, chủ yếu làm thời vụ mà thu nhập lại thấp, cuối năm 2015, Linh quyết định lên TP HCM, với hy vọng tìm được một công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống cho tương lai.
Gã trai dự định, khi nào công việc tạm ổn sẽ đón mẹ lên để chăm sóc cho bà những tháng năm tuổi già. Nhưng không ngờ rằng, đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời Linh và của gia đình anh ta.
Linh tạm tá túc tại nhà chị gái ở huyện Bình Chánh để đi xin việc làm. Nhưng nơi đất khách quê người, lại không học hành gì nên Linh rất khó kiếm việc làm như ý muốn. Có chăng, cũng chỉ là những công việc thời vụ với đồng lương bèo bọt như anh ta vẫn làm ở quê.
Vốn là một đứa trẻ mới lớn, Linh nhanh chóng chán nản và sa đà vào bia, rượu để giải sầu. Một số người anh trong nhà thấy vậy có buông lời trách móc khiến Linh càng thêm muộn phiền.
Nguyễn Hoài Linh tại phiên tòa phúc thẩm.
2. Người cha của Linh sau khi bỏ rơi mấy mẹ con đã lập gia đình với người phụ nữ khác và lên TP HCM sinh sống. Biết Linh cũng mới lên thành phố, một ngày, ông tìm đến chỗ Linh đang tá túc để thăm con.
"Giọt máu đào hơn ao nước lã", mấy anh chị em Linh dù trong lòng có trách móc, nhưng vẫn đối đãi tốt với người cha vì dù sao đó cũng là đấng sinh thành. Do đó, khi gia đình lâu ngày đoàn tụ, Linh vui vẻ đi mua đồ ăn, bia rượu về để mấy cha con vừa ăn uống vừa hàn huyên, tâm sự.
Bàn nhậu nhỏ bên hông nhà, gồm cha con Linh cùng một người chú. Một lúc sau, 2 anh trai của Linh tên là Sáu và Nguyễn Thanh Tâm đi làm về rồi nhanh chóng ngồi vào bàn nhậu. Lúc đầu, mọi người còn nói chuyện vui vẻ.
Nhưng rượu vào lời ra, anh Tâm lôi chuyện Linh không chịu đi làm mà còn hay nhậu nhẹt ra trách móc "Sao mày lớn rồi không chịu làm ăn gì mà suốt ngày ở nhà". Linh có giải thích lý do không xin được việc, nhưng anh Tâm vẫn lớn tiếng "Tại sao tụi tao kiếm được việc còn mày thì không".
Ấm ức, Linh cãi lại. Anh Tâm thấy em "hỗn" nên quát nạt. Có hơi men trong người, nên 2 anh em nhanh chóng to tiếng với nhau, không ai nhịn ai. Giữa lúc lời qua tiếng lại, Linh bất ngờ với lấy con dao gọt hoa quả để trên bàn nhậu đâm vào ngực anh. Lúc này, người thân lao vào can ngăn, đưa anh Tâm đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng Tâm đã không qua khỏi.
Một ngày sau đó, Linh tìm đến cơ quan công an đầu thú. Ở phiên tòa Sơ thẩm, Toà án Nhân dân (TAND) TP HCM đã xử phạt Linh 18 năm tù về tội Giết người. Bà N.T.T., mẹ Linh, cũng là đại diện hợp pháp của nạn nhân trong vụ án đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho con trai mình.
Vài hôm trước, TAND cấp cao tại TP HCM đưa vụ án mạng đau lòng này ra xét xử phúc thẩm. Hung thủ với gương mặt non nớt đứng trước vành móng ngựa, run rẩy khi kể lại tội ác đã gây ra với chính anh trai mình. Linh nói rằng, hôm đó gia đình đoàn tụ, nên chỉ muốn mọi người được vui vẻ bên nhau.
"Nhưng rượu vào lời ra, uống say rồi bị cáo không còn nhận thức được, đã ra tay tước đoạt mạng sống của anh trai chỉ vì một lý do nhỏ nhặt. Thời gian qua, bị cáo rất hối hận và thương mẹ vì đã già rồi mà còn chịu cảnh mất đi một đứa con, còn bị cáo phải vào tù", Linh nức nở.
3. Phiên tòa sáng hôm ấy, bà N.T.T. có mặt từ sớm. Người phụ nữ ngoại lục tuần, dáng gầy gò, mái tóc đã thấp thoáng hoa râm đứng trong sân tòa, mắt cứ hướng nhìn ra cổng chờ xe chở đứa con trai đến.
Vào phòng xử, ngồi ở hàng ghế đầu tiên cho người bị hại cùng vài người thân trong gia đình, người mẹ ấy cúi đầu, nấc nghẹn, nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt nhăn nheo khi nghe Hội đồng Xét xử (HĐXX) đọc lại bản án và nghe Linh khai lại những gì đã gây ra. Người mẹ quê ấy không đau sao được khi anh em Linh lâm vào cảnh "nồi da nấu thịt", người chết, kẻ vướng vào tù tội.
Sự việc xảy ra đã lâu, nhưng hằng đêm, nhìn di ảnh đứa con trai trên bàn thờ, nước mắt bà T. lại ứa ra. Bà khóc cho cuộc đời chua xót của mình, khóc cho đứa con trai đoản mệnh và khóc vì thương Linh phải chịu cảnh tù tội.
Hằng tháng, bà T. vẫn thu xếp thời gian đi thăm nuôi Linh. Sợ con ở trong tù khổ, người mẹ ấy nấu những món mà Linh thích, mua nhiều nhu yếu phẩm mang vào cho con. Nước mắt, vẫn là thứ ngôn ngữ chính trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi của 2 mẹ con.
Trong vụ án mạng đau lòng này, bà T. là mẹ của bị cáo, và cũng chính là mẹ của nạn nhân. Ngước gương mặt khắc khổ, hằn sâu những phong sương, những vất vả của cuộc đời, bà T. uất nghẹn xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho đứa con trai út.
"Linh hiền lành lắm, trước nó ở nhà rất hiếu thuận với tôi và lễ phép với mọi người. Không chỉ Linh mà mấy đứa con đều hiếu thuận với tôi, vì thế khi xảy ra chuyện này tôi rất đau lòng. Giờ tôi chỉ tha thiết tòa xem xét giảm án cho Linh, vĩnh viễn mất đi một đứa con, tôi đã quá đau lòng rồi, chỉ mong đứa con trai út sớm quay về bên tôi thôi. Nó còn quá trẻ, mong tòa cho nó cơ hội sớm được quay về làm lại cuộc đời", bà T. khẩn khoản.
Theo lời bà T., do cuộc sống nghèo khó, lại thiếu đi bàn tay chăm sóc của người cha, nên 7 đứa con trong nhà rất đoàn kết, bao bọc, cưu mang nhau trong cuộc sống. Đến tận bây giờ, bà T. vẫn không dám tin bi kịch xảy đến với gia đình và không hiểu lý do tại sao Linh lại hành động thiếu suy nghĩ như vậy.
"Tất cả cũng do bia rượu mà ra. Giá như hôm đó anh em nó uống ít đi một chút, giá như anh em nó kiềm chế một chút, giá như người thân can ngăn sớm thì có lẽ mọi chuyện đã không đến mức thế này...", bà T. chua xót.
Đã ngoài 60 tuổi, con cái lớn khôn đáng lẽ sau những tháng ngày mỏi mệt đến tủi phận mình đã đến lúc bà T. được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Nhưng cuộc đời của bà vốn đã khốn khổ, nay còn khốn khổ hơn. Bà vẫn nhớ như in ngày hôm đó, khi người thân điện thoại báo Linh vừa xách dao đâm anh.
Nghe tin, bà tức tốc đón xe đò từ Tiền Giang lên TP HCM với hy vọng mong manh mọi thứ không phải là sự thật. Rồi bà điếng người, suy sụp khi biết một đứa con trai đã chết dưới tay Linh. Đêm đó, dù rất đau đớn, nhưng bà vẫn cố gắng khuyên Linh ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật .
Mặc dù rất thông cảm với hoàn cảnh của bà T., HĐXX vẫn phải thượng tôn pháp luật, tuyên bản án thích đáng với hành vi phạm tội của Linh. Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, khi chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt đã xuống tay tước đoạt mạng sống của anh trai mình.
Mọi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đều đã được tòa cấp sơ thẩm xem xét đầy đủ, do đó, TAND cấp cao tại TP HCM đã quyết định bác kháng cáo của bà T., tuyên y án 18 năm tù với Linh.
Phiên tòa kết thúc, Linh bị lực lượng cảnh sát còng tay, đưa ra xe về trại giam. Bà T. lại lật đật chạy theo con, nói với theo: "Cố gắng cải tạo tốt để sớm được về nhà nha con, mẹ sẽ đợi con về". Nghe những lời dặn dò của mẹ, Linh nước mắt đỏ hoe và lí nhí: "Con xin lỗi mẹ. Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe, thắp nén nhang tạ tội với anh Tâm thay con, con sẽ cố gắng để sớm được về bên mẹ".
Bà T. cắn chặt môi, lặng im không nói thêm gì nữa chỉ thẫn thờ nhìn ra cổng Tòa án, nơi chiếc xe tù áp giải Linh về trại giam ngày một khuất dần. Một lúc lâu, rồi bà cúi đầu lầm lũi bước vội theo người thân để về lại quê nhà.
Sự thật được phơi bày khi cán bộ Công an huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đột nhập bên trong khu trang trại.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn