27 năm rong ruổi bắt cướp
Được sự chỉ dẫn của những người dân trong khu phố, tôi gặp anh Hồng tại trụ sở Công an phường 14, quận 5, TP.HCM. Với làn da đen sạm, thân hình vạm vỡ quen thuộc giúp tôi dễ dàng nhận ra anh. Anh Hồng cho biết, anh mới đi tuần tra về. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, anh vừa ăn cơm, vừa xem camera khu phố để không bỏ sót bất cứ vụ việc trộm cắp nào. Tiếp xúc với anh, mới thấy anh hiền lành, chất phác và thân thiện khác hẳn với vẻ ngoài to cao và gương mặt lạnh lùng của một người chuyên đi bắt tội phạm.
“Anh hùng bắt cướp” Trần Huệ Hồng.
Anh chia sẻ: “Mỗi ngày, cứ 4h sáng, tôi ra khỏi nhà và bắt đầu rong ruổi tuần tra khắp mọi con đường lớn, nhỏ ở khu phố 14. Đôi khi, tôi còn loanh quanh đến các khu phố bên cạnh để xem xét tình hình rồi đến tận khuya mới về đến nhà. Có hôm, đi một mình cũng có khi tôi đi cùng mấy anh công an hoặc 2 “đệ tử” của tôi”. Những lúc rảnh rỗi, anh làm thêm nghề giữ xe tại bãi xe trước chợ Phùng Hưng. Anh cũng là bảo vệ dân phố của phường 14. Nhưng, thời gian của anh đa phần là ở ngoài đường.
Năm anh 16 tuổi, sau khi chứng kiến vụ cướp giật khiến một phụ nữ bị thương nặng, anh Hồng cứ day dứt không yên. Và đó cũng là nguyên nhân khiến anh dấn thân vào việc làm không giống ai này. Anh kể: “Đang đi trên đường, tôi nghe tiếng đụng xe. Lúc đó, có 2 thanh niên phóng xe máy vụt qua. Người dân ùa ra la “cướp, cướp”, nhưng mà không ai đuổi theo. Người bị nạn do bị giật túi xách bất ngờ nên ngã xuống đường, bị thương khá nặng”.
Anh Hồng trong buổi Tuyên dương 5 gương sáng tiêu biểu trong giữ gìn an ninh trật tự.
Từ đó, ý định trở thành một điều gì đó có ích cho xã hội bắt đầu nung nấu trong anh. Anh Trần Huệ Hồng đăng ký gia nhập đội Thanh niên xung kích của khu phố 6, phường 14, quận 5. Tại đây, anh hăng hái tham gia các hoạt động phong trào của địa phương, từ việc phối hợp với dân phòng, công an để tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đến chuyện hòa giải, giải quyết những xích mích, mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của cư dân ở khu phố.
Kể về kỷ niệm làm anh nhớ nhất trong suốt 27 năm bắt cướp, anh nói: “Thời gian rảnh, tôi thường đi giữ xe tại bãi xe trước chợ Phùng Hưng. Có lần, chỗ làm bị mất xe. Lương tháng giữ xe không nhiều đã vậy làm mất xe khách phải đền một số tiền lớn nên tôi quyết tâm tìm cho ra kẻ trộm để lấy lại xe. Sau lần đó, tôi bắt đầu để ý kỹ lưỡng hơn. Một ngày, bọn trộm “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục quay lại trộm xe. Tôi để ý thấy họ ra tín hiệu cho nhau bằng việc nháy đèn xi nhan. Nháy 1 cái là vào thế chuẩn bị, hai cái là bắt đầu dắt xe tẩu thoát. Biết được âm mưu đó, tôi và anh em giả lơ để tên trộm bắt đầu dắt xe chạy ra khỏi bãi khoảng 1m rồi đuổi theo và bắt tại trận”.
Kể về nghiệp vụ bắt cướp theo kiểu nghiệp dư, anh cho biết, anh chưa từng được đào tạo qua trường lớp nào. Anh chỉ xem các chương trình lần theo dấu vết tội phạm trên tivi rồi để ý những dấu hiệu khả nghi của đối tượng. Nhiều thành quen, anh có thể dễ dàng phát hiện tội phạm qua ánh nhìn. Anh kể: “Tôi thường để ý các dấu hiệu: Ánh mắt của người đó như thế nào, cử chỉ, điệu bộ và giọng điệu nói chuyện ra sao... để xác định đối tượng tình nghi. Giờ, chỉ cần chạy ra đường, thấy đối tượng có một biểu hiện nhỏ là tôi biết người đó có phải kẻ xấu hay không”. Khi được tôi hỏi về độ chính xác trong những lần phán đoán của mình, anh cười và nói vui rằng “may mà chưa sai lần nào cả”.
Vì khu vực anh làm việc là nơi tập trung buôn bán sầm uất nên vô cùng phức tạp. Đặc biệt, nơi đây rất đông du khách nên dễ dàng bị cướp giật, dàn cảnh cướp... Anh Hồng cho biết, mỗi đối tượng trộm, cướp có những cách thức ra tay khác nhau. “Ví dụ như người Việt Nam ăn trộm thì hay rình mò và cướp từ phía sau. Còn đối tượng phạm tội người ngoại quốc hoàn toàn ngược lại. Họ ăn cắp nhưng “ tự tin” dữ lắm, nhanh gọn lẹ. Thấy sơ hở là lấy ngay, chỉ trong vài giây thôi”, anh Hồng chia sẻ.
“Người hùng” của lòng dân
Trên đoạn đường từ Công an phường 14 về nhà, anh quay sang và bảo tôi: “Em mang ba lô đằng sau như vậy là dễ bị trộm đồ lắm. Trong tất cả những kiểu trộm cắp đường phố thì mang ba lô phía sau là dễ bị lấy trộm nhất. Chỉ bằng vài thủ thuật nhỏ như 2 thanh niên chạy xe lại sát xe mình, thanh niên ngồi trước sẽ dùng xe giả vờ chặn đầu xe để mình không chú ý phía sau. Còn thanh niên ngồi sau sẽ kéo khóa cặp, lấy đồ. Trong một vài trường hợp, nếu không mở được khóa cặp, tên trộm sẽ dùng dao hoặc lưỡi lam rạch để lấy tài sản... Khi dừng đèn đỏ, ngoài việc mang ba lô thì để điện thoại hay ví tiền trong túi quần cũng rất dễ bị mất trộm".
Trên tường là những hình ảnh và giấy khen của “Anh hùng bắt cướp” Trần Huệ Hồng.
Được anh Hồng dặn dò, tôi thấy mình học hỏi được rất nhiều điều để tự biết cách bảo vệ tài sản. Tôi càng hiểu hơn vì sao người dân nơi đây cứ hay gọi anh là “người hùng”. Anh luôn luôn quan tâm và nhắc nhở người dân dù chỉ là những tình huống nhỏ nhất để đề phòng trộm cắp. “Mọi người trong khu phố hay gọi tôi là “người hùng” nhưng tôi cảm thấy mình không xứng với danh xưng này. Chỉ là thấy ai gặp nạn giúp được thì tôi giúp thôi”, anh Hồng vui vẻ nói.
Căn nhà của gia đình anh Hồng nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Tại đây, tôi lập tức bị thu hút bởi 200 bằng khen anh được nhiều cơ quan đoàn thể trao tặng trong 27 năm qua. Anh nói, cứ mỗi lần cảm thấy mệt mỏi, anh thường mở chiếc hộp cất giữ những tấm bằng khen ra xem. Những lúc như vậy, anh cảm thấy như mình được tiếp thêm sức mạnh. Vợ anh, chị Châu Ngọc Mai cho biết: “Ban đầu, khi cả gia đình biết anh Hồng theo nghề ai cũng lo lắng. Nhưng vì anh đam mê quá lại thấy công việc này có ích cho xã hội nên cả nhà đồng ý. Tôi và anh đã có với nhau hai đứa con “nếp tẻ đủ cả”.
“Nhiều lúc chở con đi học, anh Hồng vẫn thường chỉ cho các bé cách nhận biết tội phạm. Các bé thích lắm và rất tự hào về ba của mình, điều này làm tôi rất vui. Nhiều lúc hai vợ chồng chở con đi chơi, đang đi trên đường, anh thấy dấu hiệu của bọn tội phạm, thế là anh dừng xe và để ba mẹ con xuống, một thân một mình chạy theo bọn cướp”, chị cho biết thêm. Tại khu phố này, ai cũng biết mặt anh Hồng và bọn trộm cũng vậy. Nhiều khi, các thanh niên đang tụ tập chuẩn bị đi trộm cướp, thấy anh Hồng đi tuần thế là tự động tan rã.
Anh Hồng cho biết, trộm cũng có nhiều loại. Nhiều người khi bị bắt quả tang sẽ theo anh về đồn mà không chống đối. Nhiều người khác, đặc biệt là thanh niên lại rất hung dữ và sẵn sàng chống đối, buộc anh phải dùng vũ lực. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, anh đã phối hợp với công an và trực tiếp phá 7 vụ phạm pháp hình sự (trộm cắp, cướp giật, đánh bạc...), bắt giữ 23 đối tượng.
Anh Trần Huệ Hồng cùng với đệ tử của mình là anh Trần Quốc Phú.
Anh Trần Quốc Phú (36 tuổi), đồng nghiệp của anh cho biết: “Tôi đã đi theo anh Hồng làm công việc này được 4 năm rồi. Ở khu phố ai cũng quý mến anh vì anh ấy sống rất nhiệt thành, luôn gắn bó, tạo sự đoàn kết. Anh Hồng cũng là “trung tâm” giúp đỡ người nghèo ở đây. Không chỉ bắt trộm cướp, khi có người hoạn nạn, bệnh tật không có tiền cứu chữa, ngoài trích tiền cá nhân giúp đỡ, anh còn đứng ra vận động, kêu gọi người dân xung quanh hỗ trợ. Tôi vô cùng trân quý tấm lòng của anh Hồng và mong muốn sau này được trở thành một người giống như anh”.
Ngày Tết cũng đi bắt cướp như thường Ngày Tết anh Hồng cùng với anh em công an trong phường cũng thay phiên nhau trực như ngày thường. “Đêm Giao thừa là đêm mà bọn cướp lộng hành nhiều nhất nên tôi cùng anh em phải điều động tối đa nhân lực đi tuần tra. Nhiều năm, tôi đi tuần tra đêm Giao thừa đến gần sáng mới về. Nhiều khi đón năm mới ở ngoài đường luôn”, anh Hồng vui vẻ nói. |
Bên ly cà phê trong quán nhỏ xứ sen hồng, nơi anh đang giữ cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi lại...
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn