Chiều 25-4, buổi xin lỗi công khai đối với ông Long diễn ra muộn hơn so với dự kiến, đến 14 giờ 15, buổi xin lỗi mới chính thức được bắt đầu. Nguyên nhân là do sự phản đối dữ dội của người nhà bị hại.
Trước đó, ngay từ rất sớm, hàng chục người nhà của cháu bé bị sát hại đã có mặt tại hội trường nhà văn hóa xã Phúc Sơn. Tất cả họ đều thể hiện sự bức xúc và không đồng ý đối với việc các cơ quan nhà nước xin lỗi ông Long. Quá trình này, người nhà nạn nhân liên tục phản ứng, thậm chí là giật tấm biển ghi nội dung buổi làm việc trên hội trường xuống.
Tấm bảng buổi làm việc bị dỡ xuống
Tưởng chừng buổi xin lỗi sẽ phải dời sang một ngày khác, hoặc chí ít là khi các cơ quan chức năng ổn định được tình trạng hỗn loạn trong hội trường. Thế nhưng, sau khoảng hơn 30 phút, trong khi người nhà cháu bé nạn nhân vẫn gắt gao phản đối, buổi xin lỗi vẫn được diễn ra.
Ông Trần Văn Tuân, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội là người đọc bản xin lỗi đối với người tử tù bị oan khuất 11 năm qua.
Khi ông Tuân cầm bản thảo lên đọc, hàng chục người nhà nạn nhân bên dưới tiếp tục xô đẩy và phản đối, thậm chí họ dùng dép ném về phía người phát biểu. Cả hội trường chìm trong sự hỗn loạn.
Quang cảnh hỗ loạn không thể tả. Ảnh: Tuyến Phan
để bảo vệ vị này khỏi “cơn mưa” dép, hai cán bộ đã phải đứng bên cạnh, dùng tập hồ sơ để làm "lá chắn". Ảnh: Tuyến Phan
Tiếng ông Tuân bị tiếng la ó lấn át, người ta không thể nghe rõ ông nói gì. Đến đây, nghĩ rằng buổi xin lỗi sẽ dừng lại giữa chừng, nhưng vị đại diện TAND cấp cao tại Hà Nội vẫn cố gắng đọc hết tờ văn bản. Thậm chí, để bảo vệ vị này khỏi “cơn mưa” dép, hai cán bộ đã phải đứng bên cạnh, dùng tập hồ sơ để làm "lá chắn".
Sau khoảng 5 phút cố gắng, buổi xin lỗi kết thúc chóng vánh khi ông Tuân hoàn thành việc đọc lời xin lỗi. “Buổi xin lỗi đến đây là kết thúc” – ông Tuân nói rồi bước nhanh ra chiếc ô tô đợi sẵn ngoài sân UBND xã và ra về.
Do buổi xin lỗi kết thúc quá nhanh, ông Long cũng như đại diện các cơ quan khác đến dự buổi lễ cũng chưa kịp phát biểu gì.
Toàn văn nội dung văn bản xin lỗi ông Hàn Đức Long:
“Tại bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và bản án hình sự phúc thẩm của TAND tối cao tại hà Nội đều đã tuyên bố Hàn Đức Long phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em và xử phạt Hàn Đức Long mức hình phạt cao nhất là tử hình. Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Long có nhiều đơn kêu oan đề nghị xem xét, kiểm tra lại vụ án.
Tại quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy bản án phúc thẩm của TAND tối cao tại Hà Nội và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại theo thủ tục chung.
Tại quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can số 01/2016, VKSND tỉnh Bắc Giang xét thấy kết quả điều tra lại của cơ quan CSĐT công an tỉnh Bắc Giang không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hàn Đức Long về các tội danh bị truy tố từ đó quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Long. Như vậy, có cơ sở pháp lý xác định việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của các cơ quan tiến hành tố tụng trước đây đối với ông Long đã thực hiện không đúng quy định pháp luật .
Thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, đại diện các cơ quan pháp luật gồm: TAND cấp cap tại Hà Nội do ông Trần Văn Tuân, Thẩm phán cao cấp, Phó chánh án làm đại diện; VKSND cấp cao tại Hà Nội do ông Lê Tư Quỳnh, Phó viện trưởng làm đại diện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang do ông Triệu Văn Tám, Phó thủ trưởng thường trực làm đại diện.
Trong công cuộc chiến đấu cam go chống lại các loại tội phạm, nhiều cán bộ chiến sĩ công an nhân dân kiểm sát viên, thẩm phán đã không ngừng nỗ lực để đấu tranh chống lại tội phạm, nhiều các bộ chiến sỹ đã hi sinh tính mạng, sức khỏe, sự bình yên trong cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên sự thiếu sót sai lầm trong việc khởi tố, truy tố xét xử không đúng pháp luật đối với ông Hàn Đức Long đã gây tổn thất về tinh thần, vật chất cho ông Long và gia đình. Chúng tôi xác định các cơ quan tiến hành tố tụng gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm cùng có trách nhiệm trong việc để xảy ra các sai lầm, thiếu sót nêu trên. Đồng thời chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá để các điều tra viên, kiểm sát viên và các thẩm phán cần rút kinh nghiệm sâu sắc, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức chính trị, thấm nhuần lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ tư pháp phải luôn luôn “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân: để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo quá trình đấu tranh ngăn chặn tội phạm, “không để lọt tội, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Thay mặt cơ quan tiến hành tố tụng, chúng tôi cũng xin bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ đối với mất mát, đau thương của gia đình cháu NTY. Đồng thời chúng tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con thôn xóm quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ gia đình anh Nguyễn Đình Sơn và chị Đoàn Thị Liễu (bố mẹ cháu Y) để giảm bớt đau thương, xây dựng ổn định cuộc sống gia đình.
Kính đề nghị các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng khôi phục, giải quyết các quyền lợi ích hợp pháp của ông Long đúng theo quy định của pháp luật".
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn