Tiến sĩ 8X Việt ghi tên mình ở lĩnh vực vật lý giữa trời Âu

Thứ ba - 11/10/2016 07:50

Tiến sĩ 8X Việt ghi tên mình ở lĩnh vực vật lý giữa trời Âu

Ở tuổi 31, TS Lưu Trần Trung giành nhiều giải thưởng và học bổng của các chương trình danh tiếng như KAIST (Hàn Quốc), DAAD và ĐH Hamburg (Đức), ĐH Stanford (Mỹ), ĐH Ottawa (Canada), ETH Zurich (Thụy Sĩ)…

Đôi nét về Tiến sĩ Lưu Trần Trung

Quê quán: Thái Bình

- Cử nhân tài năng ngành Vật lý, Đại học khoa học tự nhiên, ĐHQGHN (2003-2007)

- Cao học ngành Vật Lý, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), Hàn Quốc (2008-2010)

- Nghiên cứu sinh, Đại học tổng hợp Munich (LMU), Viện nghiên cứu Max Planck về quang học lượng tử, Đức (2010-2015)

- Nghiên cứu sau tiến sĩ, Viện nghiên cứu Max Planck về quang học lượng tử, Đức (2015-2016)

- Nghiên cứu sau tiến sĩ, Đại học kỹ thuật Thuỵ Sỹ - ETH Zurich (2016- hiện nay)

- Bài báo khoa học: Đồng tác giả thứ nhất của 2 bài báo trên Nature (2015, 2016), đồng tác giả của 1 bài báo trên Science (2011) và 1 bài trên Nature (in press 2016), tác giả chính, tác giả thứ nhất, và đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học và công bố quốc tế khác.

- Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của ISULS 2015, các giải thưởng và học bổng của các chương trình danh tiếng: KAIST (Hàn Quốc), DAAD (Đức), Marie-Curie (EU – Châu Âu), ĐH Hamburg (Đức), ĐH Stanford (California, Mỹ), ĐH Ottawa, Montreal, Quebec (Canada), ETH Zurich (Thuỵ Sỹ)…

- Được mời đi giảng dạy ở nhiều phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới.

TS Lưu Trần Trung (phải) và gia đình nhỏ của mình.

“Săn” học bổng Hàn Quốc và fellowship Đức – Thụy Sĩ

Tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng ngành Vật lý, Đại học khoa học tự nhiên, ĐHQGHN (2003-2007), anh Lưu Trần Trung giành các học bổng và chương trình đồng hành (fellowship) để hoàn thành bằng thạc sĩ, tiến sĩ tại Hàn Quốc và Đức. Hiện tại, chàng trai Việt đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học kỹ thuật Thụy Sĩ (ETH Zurich).

Nhà vật lý trẻ theo đuổi lĩnh vực khoa học cơ bản, tập trung nghiên cứu các phương thức để kích động, quan sát, và điều khiển chuyển động của electron trong vật chất.

“Vì electron chuyển động rất nhanh, một chu kỳ quay của electron xung quanh hạt nhân chỉ vào cỡ atto-giây (atto-giây bằng 1/tỷ tỷ = 10-18s), mình cần phải có cái gì đó kích động được electron trong khoảng thời gian cực ngắn đó mới có thể nghiên cứu về electron được. Vì thế ngành của mình dùng laser xung cực ngắn (atto-giây). Những năm trước ngành của mình tập trung nghiên cứu vào chất khí, những năm gần đây xu hướng làm trên chất rắn và nhóm của mình ở Viện Max Planck (Đức) và ETH Zurich (Thuỵ Sỹ) cũng đang tham gia, mở ra và đóng góp vào xu hướng này”, anh Trung cho hay.

Lý giải về việc chọn hướng nghiên cứu khá mới mẻ này, TS Trung cười đáp, “từ bé mình đã thích môn Vật lý, môn học tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của tự nhiên, sau đó ngày bắt đầu học cao học ở KAIST (Hàn Quốc), được biết laser xung cực ngắn là một công cụ tuyệt vời để tìm hiểu sâu thêm về vật chất và các tương tác của nó nên mình theo luôn”.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về quang học lượng tử tại Viện nghiên cứu Max Planck (Đức), một phần vì những công trình anh và mọi người làm ở đây rất mới mẻ và hấp dẫn, một phần vì được các giáo sư ủng hộ tự chọn hướng nghiên cứu, Lưu Trần Trung mở rộng hướng nghiên cứu cũ, có bổ sung thêm những phương pháp mới, và làm việc ở phòng thí nghiệm mới - ETH Zurich tại Thuỵ Sỹ.

Chia sẻ bí quyết để “gặt” nhiều học bổng nghiên cứu ở nhiều quốc gia châu Âu, anh Trung khẳng định: “Mình hy vọng các bạn trẻ hãy tự đặt cho mình những giấc mơ thật cao, thật xa. Hãy cố gắng đi nhiều, đi xa, khám phá thế giới. Đi một ngày đàng học một sang khôn. Khi các bạn đã tự đặt cho mình một mục tiêu cụ thể và một quyết tâm lớn, các học bổng hay chương trình đồng hành sẽ đến với các bạn một cách tự nhiên thôi.

Ví dụ, bạn muốn tìm học bổng học đại học, bạn phải tự tìm hiểu thông tin và xác định cho mình là mình muốn học ở đâu, học như thế nào. Các đòi hỏi của trường đó (học bổng đó) là những gì, mình còn thiếu những chỉ tiêu nào, phải làm gì để thoả mãn những mục tiêu đó, nếu mình đầu tư 1 năm học thêm thì liệu có đạt đủ các yêu cầu đề ra không? Nếu không thì mình phải làm gì, học thêm hay nộp hồ sơ trường khác?...

Riêng ở Châu Âu, các ngành kỹ thuật khả năng xin được học bổng Thạc sĩ khá lớn, còn Tiến sĩ thì được coi là đi làm, được trả lương cũng như các chính sách khác cho người lao động của nước sở tại. Bây giờ công nghệ phát triển, các bạn trẻ có thể tìm hiểu được một lượng lớn, đồ sộ thông tin.

Các bạn có thể tự tìm hiểu, lúc nào cần định hướng hay kiểm định thông tin thì có thể hỏi thêm những người đi trước. Chính vì thế mong các bạn cố gắng và cố gắng hơn nữa. Chúc các bạn thêm một chút may mắn”.

Ông bà nội sang thăm gia đình.

Xuất bản nhiều bài báo, công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế

Chàng trai Việt với những nghiên cứu chuyên sâu đầy tâm huyết là đồng tác giả thứ nhất của 2 bài báo trên Nature, đồng tác giả của 1 bài báo trên Science và 1 bài trên Nature (in press), tác giả chính, tác giả thứ nhất, và đồng tác giả của nhiều bài báo khoa học và công bố quốc tế khác.

Anh Trung chia sẻ: “Cũng như tất cả các bạn, đồng nghiệp làm nghiên cứu khoa học đều biết, bạn khó có thể nói trước được kết quả thí nghiệm của mình sẽ như thế nào, tốt hay là không tốt. Nhưng một điều có thể nói trước là ngay khi bạn bắt đầu thiết kế thí nghiệm, bạn có thể tự xác định được cho mình tầm ảnh hưởng, mức quan trọng của nghiên cứu của mình. Điều đó đã tự quyết định mức độ bao quát các ngành, nhóm ngành nhỏ, nếu thí nghiệm của mình thành công.

Dù vậy, nếu bạn thiết kế thí nghiệm có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn, thì khả năng thành công rất thấp (vì nếu dễ thì nhiều người đã hoàn thành rồi). Phòng thí nghiệm cũ của mình chia đến 80% thời gian chỉ để làm những thí nghiệm lớn, thế nên thất bại rất là nhiều – tất nhiên là không thể công bố, nhưng nếu thành công thì kết quả có sức bao quát cao”.

Tuy nhiên anh cũng cho biết là mô hình nghiên cứu như thế không phù hợp với hầu hết các phòng thí nghiệm trên thế giới, khi mà kết quả nghiên cứu phải được liên tục báo cáo và đánh giá.

Say mê nghiên cứu, mỗi ngày anh Trung dành khoảng 9 tiếng (nếu không phải đo đạc gì) và 12 tiếng (nếu phải đo đạc, vì anh làm thực nghiệm) để giải quyết công việc.

“Tuy hơi nhiều so với tiêu chuẩn Châu Âu, nhưng so với các bạn của mình ở châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore) thì vẫn còn thoải mái chán”, anh cười nói. Thời gian còn lại, anh cố gắng dành cho gia đình nhỏ và con trai.

Khi được hỏi về việc liệu có quay trở về Việt Nam, anh Trung tâm sự, bản thân anh cũng muốn trở về quê hương nhưng điều kiện hiện tại chưa cho phép. Rất khó để có thể bắt đầu những nghiên cứu về laser xung điện cực ngắn ở Việt Nam vì tiền đầu tư quá lớn.

“Cái mình làm là khoa học cơ bản, nên sẽ không có ứng dụng gì vào trong cuộc sống, ít nhất là trong khoảng 10, 20 năm nữa. Sau này nếu có điều kiện mình cũng muốn giúp đỡ các bạn ở nhà một cách gián tiếp, như một bạn của mình là Tuấn Anh hiện giờ làm Giáo sư (HKUST) và đang tuyển sinh viên Việt Nam làm nghiên cứu sinh”, anh nói.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây