Theo tôi được biết dạy thêm, học thêm không phải chỉ có ở Việt Nam mà nó còn tồn tại một cách hiển nhiên ở cả quốc gia phát triển như Mỹ, Anh… Nhưng vấn đề là ở những nước phát triển thì họ chỉ học thêm khi muốn thi vào các trường có uy tín như Harvard, Cambirdge…. Nói như vậy là để thấy việc học thêm, dạy thêm là một nhu cầu có thật và vẫn tồn tại như một thực thể tự nhiên trong nền kinh tế cung - cầu.
Vậy ở Việt Nam chúng ta hiện nay, tại sao cấm mà lại bị phản ứng nhiều như vậy? Nó có ở một số lý do mà theo tôi các nhà quản lý giáo dục cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để đưa ra những giải pháp quản lý cho phù hợp.
Rất nhiều ý kiến đã đề cập đến những khía cạnh trong giáo dục và quản lý giáo dục. Những vấn đề đó có, song bên cạnh đó chúng ta cần phải nhìn nhận thêm một số vấn đề:
1. Về chất lượng giáo viên:
Chất lượng giáo viên không đồng đều thậm chí có rất nhiều giáo viên không có đủ năng lực để đứng lớp nhưng vẫn được (hoặc phải) đứng lớp dạy. Thiếu giáo viên giỏi, vậy khi những gia đình có con rơi vào những lớp có giáo viên đó dạy, họ có yên tâm hay không. Với các môn xã hội học thuộc lòng còn có thể dùng thời gian để học cho thuộc, nhưng đối với các môn tự nhiên khi giáo viên dạy không đạt chất lượng thì làm sao? Phụ huynh phải cho con đi học thêm để bù vào lượng kiến thức đó chứ, nếu không con em họ mất kiến thức gốc thì học ra sao khi lên các lớp cao hơn với nhiều môn học khó hơn. Ngành giáo dục hiện nay cũng giống như nhiều ngành khác trong biên chế Nhà nước cũng đều mang nặng bệnh thành tích, họ cũng che dấu những hạn chế của mình như giáo viên yếu vẫn phải đánh giá là đạt yêu cầu để cho đứng lớp. Xin thưa rằng, số giáo viên như vậy không phải ít kể cả các thành phố lớn.
2. Về phía phụ huynh học sinh:
Phụ huynh học sinh ngoài việc phải lo cuộc sống cho gia đình họ còn phải lo rất nhiều thứ khác, không có thời gian kèm cặp con em mình, cùng với đó có rất nhiều phụ huynh không đủ kiến thức để hướng dẫn con em mình học ở nhà với các môn như Anh văn, Toán, Lý Hóa, Sinh... Đó là một vấn đề rất thật đang tồn tại. Vì vậy phải gửi thầy cô.
3. Việc “chảy máu chất xám” trong ngành giáo dục:
Những học sinh giỏi khi được định hướng nghề sau này họ phải sống làm sao khi lương giáo viên mới ra trường công tất cả lại mới được trên 3 triệu đồng, một mình còn lo không nổi vậy khi có gia đình, có con thì cuộc sống của họ đi đến đâu. Họ giỏi kiến thức nhưng không cho họ sử dụng để kiếm sống một cách chân chính thì họ có muốn thi vào ngành Sư phạm không trong khi những sinh viên giỏi thi vào các ngành nghề khác họ sẽ được trả công một cách tương xứng. Không có người giỏi chọn nơi đào tạo con người tương lai làm nghề nghiệp chính, vậy chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu.?
Vũ Trung Hiếu
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn