Học tiếng Anh đã khó, học tiếng Nga, tiếng Trung càng nhanh quên

Thứ ba - 27/09/2016 18:35

Học tiếng Anh đã khó, học tiếng Nga, tiếng Trung càng nhanh quên

Tiếng Anh đã được đưa vào giáo trình sách giáo khoa cách đây khoảng 20 năm vậy mà trình độ học sinh nói chung còn “lẹt đẹt”. Kì thi THPT quốc gia năm 2016, lượng thí sinh đạt điểm thấp ở môn tiếng Anh rất nhiều, từ thành phố đến nông thôn. Nhiều em cố học chỉ để vượt qua điểm liệt môn tiếng Anh, rất nhiều học sinh đều coi môn tiếng Anh là môn khó nhằn trong suốt quá trình đi học.

Tôi lấy bản thân mình làm ví dụ, tôi có 3 năm học tiếng Anh ở cấp THPT, 2 năm học lại tiếng Anh bằng A ở trường nghề. Có hẳn 5 năm học tiếng Anh, trí nhớ cũng không phải dạng xoàng thế mà đến giờ tôi không thể dạy nổi con trai đang học tiểu học. Tôi phát âm không chuẩn, viết thì chỉ nhớ được vài từ về màu sắc, chào hỏi mấy câu thông dụng. Trong một lần đi lên hòn Trống Mái (Thanh Hóa) chơi, dọc đường tôi cùng con trai dừng lại mua vỏ ốc có khắc chữ của một bà cụ. Khi tôi phát âm chữ “love”, bà cụ còn nhăn mặt nói tôi phát âm sai làm tôi cười trừ vì ngượng.

Có lần, tôi chứng kiến ở bưu điện huyện có một anh chàng tây cao lớn vào ngó nghiêng rồi hỏi vài câu mà nhân viên giao dịch cứ ú ớ không biết gì. Phản xạ nghề nghiệp giúp chị giao dịch viên đưa cho người khách nước ngoài mấy cái phong bì và tem, anh này gật đầu và hỏi về tiền. Chị giao dịch viên viết con số ra giấy và anh chàng tây hiểu ý, trả tiền.

Thế mới biết giữa học trong trường lớp và áp dụng vào thực tế đời sống là cả một vấn đề. Tôi có chăm chú học tiếng Anh chăng nữa cũng chỉ là để đủ điểm thi cử chứ học xong thì chữ thầy trả thầy, không nhớ được gì. Đa phần bạn bè tôi cũng giống tôi, chỉ có một số ít các bạn tích cực học ngoại ngữ để tìm kiếm công việc ở các tập đoàn lớn, hoặc do công việc bắt buộc phải giao tiếp với người nước ngoài thì họ mới học một cách chuyên tâm, miệt mài.

Ngoại ngữ đúng là rất cần thiết trong thời đại kinh tế hội nhập, nhưng chỉ với môn tiếng Anh thông dụng nhất, học sinh vẫn còn đang loay hoay với khối lượng kiến thức nặng về lý thuyết và ít thực hành. Môn tiếng Anh vẫn còn dễ học hơn nhiều so với tiếng Trung vì cùng chữ viết Latinh, ít nhiều mọi người đều có thể biết một chút để có thể kèm cặp con. Tôi từng đi học thêm một khóa tiếng Trung nên biết tiếng Trung phát âm khó, chữ viết tượng hình loằng ngoằng bộ nọ bộ kia đến đau đầu. Tôi bỏ ngang khóa học vì biết mất thời gian mấy tháng để học xong rồi quên thì học làm gì.

Tiếng Anh thông dụng như thế mà các con đi học còn “đánh vật”, cứ bảo con ngồi vào bàn nghe đĩa tiếng Anh, viết lại từ mới là con nhăn nhó vì không hứng thú. Tôi gần như phải bắt ép con học tiếng anh ở nhà mỗi khi rảnh rỗi để con không căng thẳng khi đến kì thi học kì. Tiếng anh ở bậc tiểu học khi thi các con không đạt điểm 9, 10 là trượt ngay suất học sinh "hoàn thành xuất sắc". Thế nên rất nhiều gia đình đầu tư cho con học tiếng Anh ngay từ mẫu giáo lớn, vì suy nghĩ "học từ bé các cháu mới nhớ lâu, mới giỏi ngoại ngữ".

Nếu giờ lại thí điểm thêm cả môn tiếng Nga, tiếng Trung vào nhà trường nữa thì thật các con đi học đúng là cực hình. Tiếng mẹ đẻ còn nói chưa sõi đã phải luyện rèn đến mấy thứ tiếng khác. Tôi tin là cứ thí nghiệm kiểu này thì con cái chúng ta cũng học đâu quên đó chứ đừng mong gì mở mang với thế giới. Bộ Giáo dục từng có quyết sách giảm áp lực cho học sinh tiểu học bằng cách bỏ chấm điểm, cấm dạy thêm nhưng nay lại có những đề án dạy tiếng Nga, tiếng Trung phổ cập từ lớp 3 thì biết bao giờ học sinh mới đỡ khổ.

Học sinh quay như chong chóng vì cơ chế giáo dục thay đổi liên xoành xoạch, không rõ rồi con em chúng ta có tiến bộ hay chỉ thụt lùi với việc học ngoại ngữ. Phụ huynh thì ái ngại với vô số khoản tiền lo sách vở, học phí cho con em mình, lại lo ngay ngáy mỗi kì thi cử và không ít người thẳng thắn thừa nhận, con đạt thành tích nọ kia nhưng thực chất cũng không biết gì, chắc là cô giáo thương tình cho qua...

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây