Nhiều nỗi lo trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT
Từ ngày 28-30/5, học sinh lớp 12 trên địa bàn Hà Nội sẽ có bài thi khảo sát theo hình thức trực tuyến tại hệ thống học và thi trực tuyến, để đảm bảo chất lượng trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Đứng trước bài thi khảo sát trực tuyến cũng như kỳ thi tốt nghiệp chính thức, nhiều học sinh bày tỏ cảm giác lo lắng.
Học sinh Nguyễn Trọng Khôi (lớp 12D3, trường THPT Cầu Giấy - Hà Nội) bày tỏ: “Khi biết tình hình dịch bệnh khiến học sinh không thể đến trường mà phải học online, em đã cảm thấy con đường phía trước sẽ thực sự là khó khăn, nên chủ động sắp xếp thời gian ngay từ những buổi đầu để chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi khảo sát và bài thi tốt nghiệp THPT 2021 chính thức. Việc học online khiến em gặp nhiều khó khăn khi vừa phải ôn thi IELTS, vừa ôn thi tốt nghiệp, chỉ vài buổi lười nhác là sẽ không đạt được kết quả mong muốn. Lịch học của em kín tất cả các ngày trong tuần từ thứ 2 đến tối chủ nhật luôn...”.
Học sinh Nguyễn Trọng Khôi chỉa sẻ áp lực trước thềm kỳ thi với lịch học dày đặc.
Học sinh Phùng Xuân Phong (lớp 12A3, trường THPT Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: “Trước tin sắp có bài thi thử online em thấy hơi lo lắng, nhưng với kiến thức đã học trong năm, em vẫn tự tin có thể đạt được kết quả tốt. Tất nhiên, cũng có những khó khăn trong việc ôn tập giữa mùa dịch, chẳng hạn, việc tiếp thu bài giảng qua lớp học trực tuyến khá khó khăn vì một chiếc màn hình không thể truyền tải được hết kiến thức mà giáo viên muốn giảng dạy, bù lại, em sẽ có nhiều thời gian để tự học hơn”.
“Hiện tại, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vô cùng khó lường, em cũng rất lo lắng, đặc biệt là vẫn còn những cá nhân gian dối trong khai báo y tế, để lại hậu quả không nhỏ. Em lo lắng vì lịch thi có thể sẽ bị lùi lại, khiến việc ôn tập trở nên căng thẳng hơn. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi chính thức, về mặt kiến thức, em khá tự tin vì từ đầu năm đến giờ em đã học khá tốt; về sức khoẻ, em sẽ cố gắng bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch mà bộ Y tế đã phổ biến” - Phong bật mí thêm.
Thi trực tuyến khó kiểm soát chất lượng
Trước thời gian tổ chức bài thi khảo sát cho khối 12 theo hình thức trực tuyến, nhiều người cũng lo lắng đến chất lượng thực của học sinh. Một gia sư tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết: “Vừa nghe thấy bài thi thử trực tuyến, có học sinh lớp 12 mà tôi đang làm gia sư còn gợi ý để tôi ngồi cạnh chỉ bài cho. Tất nhiên, tôi không đồng ý nhưng không thể chắc chắn tất cả các gia sư khác có làm thế hay không?!”.
Nhắc đến chuyện có bạn lợi dụng bài thi trực tuyến để “bày trò”, học sinh Trần Minh Đức (lớp 12A2, trường THPT Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết: “Em đã từng thấy các anh chị lớp 12 năm trước khi thi thử theo hình thức trực tuyến như này và cũng xuất hiện nhiều trường hợp gian lận. Điều đó chính là thiệt thòi cho bản thân mỗi người học, vì bài thi thử vốn chỉ là mốc đánh giá sức học của mình hiện tậi đển đâu để có phương hướng ôn tập phù hợp. Không biết bản thân mình đang ở đâu thì rất khó để khắc phục”.
Trần Minh Đức chia sẻ từng thấy nhiều học sinh lợi dụng bài thi online để gian lận.
Học sinh Phùng Xuân Phong cũng tiết lộ: “Trước đây, trong những bài thi online, em đã từng chứng kiến tình trạng học sinh gian lận, nên em thấy kiểm tra và thi theo hình thức này rất thiếu công bằng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận.
Sau lần đó, em thấy giáo viên chưa có động thái gì để kiểm soát tình trạng này vì thậm chí, một số thầy cô vẫn chưa sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính nên việc “bắt quả tang” học sinh gian lận là rất khó. Bên cạnh đó, đây là bài kiểm tra qua máy tính, rất khó để có thể kỷ luật học sinh vi phạm vì bài kiểm tra được làm tại nhà...
Đó là một phần lý do khiến em vẫn luôn muốn làm bài theo cách truyền thống hơn”.
Chính vì kẽ hở gian lận, học sinh Phùng Xuân Phong mong bài thi trên lớp hơn bài thi qua online nhưng vì tình hình dịch bệnh nên phải cố gắng khắc phục.
“Tuy trước giờ em chưa từng chứng kiến trường hợp nào gian lận khi làm bài thi trực tuyến, nhưng nếu em thấy bạn nào làm như vậy, em sẽ nhắc nhở bạn phải trung thực vì nếu không, đến kỳ thi chính thức sẽ không có ai cứu mình được” - học sinh Nguyễn Trọng Khôi cũng chia sẻ.
Đồng tình với những ý kiến trên, học sinh Nguyễn Triệu Hải Long (lớp 12A12, trường THPT Kim Liên - Hà Nội) cũng cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự tự giác của mỗi học sinh và dù có dịch hay không vẫn phải ôn thi hết mình. “Theo em, mỗi bài kiểm tra, học sinh đều nên nghiêm túc thực hiện, bởi vì, học cho chính bản thân để sau này còn vững vàng, khi tham gia kỳ thi chính thức, không còn bị bỡ ngỡ, mình trung thực khi đi thi thì tâm lý sẽ đỡ lo lắng hơn. Hơn nữa, kiến thức là của mình, sau này, khi bước ra đời còn có “vốn” mà dùng” - Hải Long bày tỏ.
Cô giáo Trịnh Thị Tuyến (giáo viên Tiếng Anh tại một trường THPT trên địa bàn quận Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: “Học sinh bây giờ nếu muốn gian lận thì có thể có rất nhiều “chiêu trò”. Chính vì vậy, mỗi giáo viên khi coi thi phải yêu cầu học sinh bật camera và micro để công khai mọi hình ảnh, âm thanh. Khi một học sinh có những thao tác đáng ngờ, ngay lập tức phải phát giác và xử lý nghiêm khắc, để làm gương cho học sinh khác. Chẳng hạn, đối với bài thi trắc nghiệm, học sinh sẽ không phải thao tác nhiều trên bàn phím, nếu quan sát thấy học sinh thao tác trên bàn phím nhiều trước một câu hỏi, rất có thể đang có ý định hỏi bài...”.
Cần phụ huynh phối hợp với nhà trường
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, thầy Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn - Hà Nội) cho biết: “Thực tế, cho đến giờ phút này, nền tảng trực tuyến phục vụ cho công tác tổ chức thi, kiểm tra vẫn còn những hạn chế. Bên cạnh đường truyền chưa ổn định, phương tiện chưa được đồng bộ, còn một vấn đề nữa là chưa thể quản lý dược người thi xem có sử dụng tài liệu hay nhờ đến sự hỗ trợ của người khác hay không.
Học sinh lớp 12 tại Hà Nội sẽ làm bài thi thử theo hình thức trực tuyến vào ngày 28,29 và 30/5.
Tuy nhiên, đây là một kỳ thi cần thiết để rèn cho học sinh kỹ năng làm bài và đánh giá chất lượng, năng lực hiện tại của học sinh. Ngoài những học sinh muốn học thật, thi thật, vẫn có những học sinh chềnh mảng, làm bài cho xong; hoặc thậm chí, có những học sinh muốn tranh thủ, lợi dụng thời cơ để làm đẹp hình ảnh của mình, đẹp mặt bố mẹ mà gian lận...”.
Để có một kỳ khảo sát đảm bảo chất lượng, thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: “Về phía nhà trường, chúng tôi cũng đã triển khai các quy định yêu cầu kiểm tra, đánh giá đến các thầy cô giáo, đến phụ huynh và học sinh. Yêu cầu các thầy cô rà soát lại và bù đắp những phần kiến thức còn hổng, còn thiếu để các em có kết quả tốt nhất. Phía gia đình, chúng tôi đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo sức khỏe, thể chất cho các con.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, nhà trường yêu cầu học sinh phải tham gia kỳ thi khảo sát trực tuyến một cách nghiêm túc, xem năng lực đang đáp ứng được đến đâu, để thầy cô có phương án hỗ trợ, bổ sung trong giai đoạn tới.
Có nơi phụ huynh còn gợi ý chuyện gian lận cho các con, điều đó là hại con, ảnh hưởng rất xấu đến sự hình thành nhân cách của con sau này... Chính bố mẹ cũng cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát hành con để góp phần đảm bảo chất lượng của kỳ thi này”.
“Đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu học sinh phải tham gia kỳ thi này một cách nghiêm túc để xem năng lực của mình đang đáp ứng được đến đâu để thầy cô còn có phương án hỗ trợ, bổ sung trong giai đoạn tới. Phải hướng đến học cho chính bản thân học sinh, học để biết, để tư duy, để làm, để tồn tại và tự khẳng định mình, chứ không phải học để thi, để làm đẹp học bạ hay làm vui lòng bố mẹ...” - vị Hiệu trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hoc-sinh-ha-noi-thi-thu-truc-tuyen-lam-sao-de-phong-chong-gi...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn