Chia sẻ với phóng viên về những thay đổi trong Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra xin ý kiến, PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết, Bộ GD&ĐT đã rút kinh nghiệm từ những kỳ thi của những năm vừa qua nhất là kỳ thi THPTQG năm 2015, 2016 để nghiên cứu đưa ra Dự thảo phương án thi cho 2017 với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện Kỳ thi THPT quốc gia theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh thi tại địa phương, đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, hạn chế học lệch đồng thời có thể làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Việc đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội khác là việc làm cầu thị của Bộ GD&ĐT.
Trên cơ sở phương án của Bộ, Trường Đại học Ngoại thương đang tổ chức nghiên cứu, xem xét và sẽ sớm đưa ra phương án tự chủ tuyển sinh.
PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương
Hiện dư luận đang bày tỏ băn khoăn về phương án thi trắc nghiệm môn Toán trong phương án thi mới: dễ gian lận, tạo điều kiện để học sinh học vẹt, không phát triển tư duy độc lập và dễ làm loạn kiến thức của học sinh. Ý kiến của ông về vấn đề này?
PGS. TS Bùi Anh Tuấn: Bất kỳ cách thi nào cũng có ưu điểm và những hạn chế nhất định. Có thể mọi người đã quen với phương thức thi tự luận môn toán nên sẽ băn khoăn khi có phương án thi trắc nghiệm.
Thực tế, trong mấy năm qua Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thi môn toán với hình thức thi trắc nghiệm và cũng nhiều thầy cô và học sinh cũng đã được biết và trải nghiệm về hình thức thi này. Mặt khác, mấy năm qua Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai đánh giá học sinh theo PISA, ở đó các dạng đề kiểm tra đánh giá môn toán về cơ bản theo hình thức trắc nghiệm.
Để tạo cho xã hội quen với cách thi mới, Bộ GD&ĐT nên sớm có những dạng đề thi mẫu để các thầy cô và các em sinh viên được làm quen.
Tính đến thời điểm này chỉ còn 9 tháng nữa là bắt đầu phương án thi mới, theo ông lộ trình thực hiện đổi mới thi này có đảm bảo không? Ông có nhắn nhủ gì cho các em học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, đặc biệt là các em học sinh có nguyện vọng muốn học tại trường Đại học Ngoại thương?
PGS. TS Bùi Anh Tuấn: Theo tôi, đây là thời điểm thích hợp để đưa ra phương án mới để lấy ý kiến. Để thực hiện được các công việc tiếp theo đòi hỏi Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ phải hết sức tích cực chuẩn bị cho công tác này.
Đối với các em sinh viên quan tâm và có nguyện vọng trở thành sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương, tôi mong rằng các em chăm chỉ và quyết tâm học tập, đừng quá lo lắng bởi sự thay đổi của hình thức thi, bởi hình thức thi như thế nào cũng phải đánh giá đúng được kiến thức và năng lực của người học và nội dung thi của năm 2017 cũng tập trung vào chương trình lớp 12. Trường Đại học Ngoại thương sẽ sớm công bố phương thức xét tuyển để các em được biết.
Việc Bộ giao cho các Sở chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng các trường Đại học có thể xét tuyển thí sinh vào trường mình từ kết quả này, ông có yên tâm, tin tưởng với phương án này không?
PGS. TS Bùi Anh Tuấn: Việc Bộ giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì kỳ thi THPT cụm thi THPT Quốc gia là hợp lý. Theo Dự thảo phương án, Bộ sẽ có phương án cử các cán bộ, giảng viên các trường đại học phối hợp, hỗ trợ và giám sát để bảo đảm tính khách quan và công bằng trong tổ chức thi và chấm thi.
Tôi cho rằng cần tăng cường thêm giám sát của xã hội nhất là của bản thân học sinh, của hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam và các cơ quan truyền thông để tăng sự tin tưởng của xã hội cũng như của các trường vào kết quả thi này.
Ngoài ra, tùy theo đặc thù đào tạo và yêu cầu của trường, các trường vẫn có thể tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh để có thể tuyển được các thí sinh đảm bảo yêu cầu đào tạo .
Từ thực tế của mùa tuyển sinh năm 2016, nguồn tuyển ngày càng hạn chế. Với phương án thi mới, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng hơn, xin ông cho biết nhà trường dự định sẽ có phương án nào để giảm thiểu tình trạng thí sinh ảo trong mùa thi 2017?
PGS. TS Bùi Anh Tuấn: Trên thực tế, Trường Đại học Ngoại thương không bị tình trạng ảo nhiều như một số trường đại học khác. Điều này có thể do các em thí sinh trung thành với nguyện vọng của mình khi đăng ký vào trường, mặt khác do chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động đến thí sinh ảo, đã tham gia nhóm GX.... Tuy nhiên phải khẳng định rằng tình trạng ảo là có xảy ra và ở năm 2016 cao hơn năm trước.
Trong phương án tuyển sinh 2017, chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa ra phương án giảm thiểu tình trạng này, công tác truyền thông sẽ phải được đẩy mạnh hơn, việc cung cấp thông tin cho học sinh về các chương trình đào tạo của nhà trường, về chuẩn đầu ra, về khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp sẽ được chúng tôi quan tâm nhiều hơn.
Việc Bộ GD&ĐT chủ trương có cơ sở dữ liệu chung thống nhất về tuyển sinh và có phần mềm hỗ trợ các trường về chống ảo sẽ là giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhật Hồng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn