Đó là ý kiến của nhà giáo Nguyễn Văn Ưng - Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong - Tp Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai.
Nếu tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT sẽ xảy ra tình trạng luyện thi, dạy thêm, học thêm
Nhà giáo Nguyễn Văn Ưng cho rằng, những năm qua, và nhất là hai năm (2015, 2016), Bộ Giáo dục đã liên tục có những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Những thay đổi ấy khiến cho giáo viên, học sinh và phụ huynh đôi khi mất phương hướng, âu lo, cuống cuồng và mệt mỏi. Những thay đổi ấy có nhiều mặt tích cực song cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Vậy nên trong năm học này, Bộ tiếp tục đưa ra phương án thay đổi.
Mấy ngày qua, tôi có đọc trên nhiều tờ báo và trang mạng bài viết: Bộ GD-ĐT đã dự thảo ban đầu về một số phương án thay đổi kỳ thi THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 để xin ý kiến góp ý. Trong đó có nội dung nói về việc thi và xét tốt nghiệp THPT như sau:
Theo đó, đối với việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp, Bộ dự kiến sẽ giao cho các sở GD-ĐT dưới sự chỉ đạo của UBND các tỉnh/thành phố. Bộ sẽ ban hành quy chế thi và có thể ra đề thi. Bộ dự kiến đề thi theo các dạng bài thi tổng hợp với 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ. Hai bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thí sinh có quyền lựa chọn một trong 2 bài thi để làm.
Là một công dân, một phụ huynh, một giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn đã có 35 năm dạy học và hiện vẫn đang giảng dạy tại một trường THPT, trong bài viết này, nhà giáo Nguyễn Văn Ưng xin có một số ý kiến về việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT trong dự thảo của Bộ như sau:
Nếu tiến hành thi tốt nghiệp theo phương án trên tôi thấy có một số nhược điểm chủ yếu đó là:
Vẫn xảy ra tình trạng luyện thi, dạy thêm, học thêm với ba môn thi bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ và có thể còn là các môn khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên trong bài thi tổng hợp mà học sinh lựa chọn.
Vẫn xảy ra tình trạng học lệch. Học sinh sẽ chỉ chú trọng vào các môn thi bắt buộc và các môn trong bài thi tổng hợp học sinh đã chọn.
Vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với những áp lực, tốn kém tiền bạc và nhiều tiêu cực khác.
Để khắc phục nhược điểm nêu trên tôi xin có kiến nghị sau:
Tốt nghiệp THPT, theo đúng nghĩa, là kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong suốt ba năm học THPT. Nếu tổ chức thi như từ trước đến nay thì chủ yếu là kết quả rèn luyện, học tập của năm học lớp 12 mà thôi.
Do vậy, không tổ chức thi tốt nghiệp THPT mà chuyển thành xét tuyển tốt nghiệp THPT. Việc xét tuyển này giao hoàn toàn cho Sở Giáo dục các địa phương thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục. Việc xét tuyển sẽ dựa trên kết quả ba năm học THPT của học sinh. Để có kết quả xét tuyển, cần tiến hành một số công việc sau:
1. Tại các trường THPT, bài kiểm tra định kỳ của tất cả các môn học theo phân phối chương trình ở từng khối lớp (hệ số 2, từ 45 phút trở nên) đều tiến hành kiểm tra tập trung với cùng một đề do tổ chuyên môn ra đề. Như vậy sẽ có sự đồng đều, công bằng giữa học sinh trong cùng một khối lớp.
2. Bài thi học kỳ của tất cả các môn học ở cả ba khối lớp (10,11,12) đều do Sở Giáo dục ra đề chung cho toàn tỉnh, các trường THPT tự tổ chức việc coi và chấm thi dưới sự kiểm tra, giám sát của Sở.
3. Lấy kết quả học tập và rèn luyện của ba năm học (10,11,12) để xét tốt nghiệp THPT cho học sinh.
Với những giải pháp trên, học sinh sẽ phải học đều tất cả các môn và liên tục cố gắng trong ba năm học.
Việc thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ trở nên nhẹ nhàng cho giáo viên, học sinh và đỡ tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Không còn hiện tượng chạy theo thành tích, một “căn bệnh mãn tính” bấy lâu nay trong ngành Giáo dục.
Nhà giáo Nguyễn Văn Ưng - Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong - Tp Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn