Hệ thống hóa dạng bài, luyện giải nhuần nhuyễn theo 3 giai đoạn
Nguyễn Sử Phương Phúc đã tạo nên kỳ tích khi trở thành sinh viên quốc tế đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm thành lập Đại học Bách khoa Bucharest (Romania) đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp của trường (năm 2015) với điểm trung bình 9,98/10 cho 4 năm học. Chàng trai Việt từng 2 lần đạt giải nhì Olympic sinh viên môn Toán và Giải thưởng Top sinh viên Toán theo Chương trình đánh giá chất lượng giáo dục đại học của Quỹ Xã hội châu Âu.
Nói về bí quyết thi trắc nghiệm các môn Tự nhiên, đặc biệt là Toán học, Nguyễn Sử Phương Phúc chia sẻ: “Theo mình, đối với kiểu thi trắc nghiệm có phần đặt nặng thời gian hơn là tư duy quá sâu thì các em học sinh nên làm theo 3 bước: phân loại dạng bài tập và cách giải cho mỗi dạng, sau đó luyện giải nhuyễn mỗi dạng và cuối cùng là giải đề mẫu, tập làm quen với áp lực phòng thi (ví dụ như thi 1 tiếng thì ở nhà bạn phải giải hết trong 45 phút)”.
Phúc lưu ý, thời gian ôn luyện thi trắc nghiệm cho mỗi giai đoạn cũng phải phân bổ hợp lý, có kế hoạch rõ ràng. Cụ thể gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu phân loại dạng bài tập và giai đoạn 2 luyện giải cho nhuyễn (thường kéo dài nhất và cũng dễ gây nản lòng nhất nên cần cố gắng nhiều). Giai đoạn cuối luyện giải đề thì nên giải trước ngày thi khoảng 1-2 tháng thôi.
“Những đề thi gần đây nên để dành 2 tuần cuối trước ngày thi mới giải, và canh thời gian, làm bài nghiêm túc như thi thật, như vậy các em mới có bước đà quen với áp lực phòng thi. Chặng đường luyện thi khá là gian nan, nhưng nhưng “đường dài mới biết ngựa hay”, người bản lĩnh sẽ vượt qua tất cả. Chúc các em chuẩn bị thật tốt cho kì thi sắp tới!”, Phúc nói.
Một số “mẹo” nhỏ trong việc thi trắc nghiệm tại Mỹ
Phạm Thanh Tùng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Bác sỹ đa khoa - Đại học Y Hà Nội năm 2015 với điểm 8.14/10 (đứng thứ 37 toàn khoá) sau đó xuất sắc giành học bổng toàn phần của VEF và đỗ 2 trường đại học Y bậc nhất thế giới (ĐH Harvard và ĐH Johns Hopkins) để theo học bậc thạc sĩ ngành Dịch tễ học tại Mỹ. Chàng du học sinh Việt này cho hay, kinh nghiệm của bản thân khi ôn thi trắc nghiệm các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh khá đơn giản.
Phạm Thanh Tùng chia sẻ: “Đầu tiên các bạn cần nắm chắc lý thuyết liên quan đến các công thức cơ bản và dạng bài tập cơ bản. Khó khăn lớn nhất các bạn có thể gặp phải là do năm nay là năm đầu tiên thi trắc nghiệm môn Toán nên có thể tài liệu ôn tập và đề thi không được phong phú, đặc biệt với các bạn không ở thành phố thì việc tiếp cận cũng khó khăn hơn rất nhiều. Các bạn có thể sử dụng những trang học online uy tín để có thể dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn tài liệu ôn luyện phong phú.
Thứ hai là các bạn cần tập trung làm quen với mẫu đề thi và “không khí thi cử”. Chắc chắn các bạn cần làm hết bộ đề minh hoạ do Bộ GD&ĐT cung cấp và cố gắng duy trì nhịp độ làm ít nhất 1 đề/môn/tuần trong học kỳ 2 của lớp 12. Trong tháng cuối trước khi thi thì nhịp độ có thể tăng lên 1 đề/ngày. Nếu có điều kiện thì bạn cần làm quen với không khí thi cử bằng các đăng ký thi thử đại học. Trước khi thi đại học mình cũng tham gia thi thử khoảng 6 lần tại Đại Học Sư phạm và Đại Học Khoa học Tự nhiên. Trong những lần đầu có thể điểm của bạn sẽ chưa cao nhưng càng về sau khả năng làm bài cũng như sự tự tin sẽ được cải thiện rất nhiều”.
Thanh Tùng “bật mí”, khi bắt đầu làm bài thi trắc nghiệm, các bạn sĩ tử cũng có thể áp dụng 2 “mẹo” nhỏ khá hiệu quả cho việc thi cử tại Mỹ và cả Việt Nam.
“Mẹo đầu tiên mình hay sử dụng mà có lẽ nhiều bạn cũng biết đó là làm một lượt từ đầu đến cuối thật nhanh và sau đó mới quay trở lại để giải quyết các câu khó. Vì tất cả các câu có điểm số như nhau nên việc sa lầy vào một số câu hỏi khó sẽ làm bạn mất điểm. Hơn nữa, sau khi bỏ qua và quay trở lại sau, tâm trí của bạn sẽ thoải mái hơn và có thể nhìn ra lỗi sai trong tính toán mà trước bạn không nhận ra.
Mẹo thứ hai là biến chiếc máy tính trở thành người bạn thân thiết của mình. Với các câu hỏi trắc nghiệm môn toán thường thì người ra đề sẽ tìm cách để thí sinh không thể thử đáp án trực tiếp bằng máy tính để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, việc thành thạo sử dụng tất cả các tính năng của máy tính sẽ giúp cho thí sinh có rất nhiều lợi thế. Ví dụ như với máy tính FX-570ES hay FX-570VN Plus của Casio, bạn có thể sử dụng tính năng lập bảng biến thiên của một hàm số từ đó dự đoán giá trị lớn nhất, nhỏ nhất và cả nghiệm trong trường hợp sử dụng đạo hàm quá phức tạp. Nắm vững và tận dụng các tính năng như vậy đã giúp mình không ít lần trong các kỳ thi từ trước đến nay”, Thanh Tùng chia sẻ.
Phương pháp loại suy giúp tăng cơ hội “sống sót”
Nguyễn Vĩnh Khương tốt nghiệp Chương trình Tiên Tiến ngành Điện - Điện Tử (Khóa 2010 – 2014), Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TPHCM. Khương giành học bổng toàn phần theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh cao học tại University of Arkansas, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng VEF. Một kinh nghiệm Vĩnh Khương muốn chia sẻ nhất đến các sĩ tử là phương pháp loại suy sau khi đọc kỹ đề bài một lượt (giúp phân loại cấp độ khó – dễ của câu hỏi), làm những câu chắc chắn có điểm trước.
Kế đến sĩ tử có thể sử dụng phương pháp loại suy: “Cấu trúc của một câu hỏi trắc nghiệm thường có 4 đáp án, tức là tỷ lệ đoán trúng của bạn là 25%. Trong tình cảnh chẳng còn nhớ gì, việc loại được một đáp án tức là bạn đã tăng cơ hội “sống sót” của mình lên tới 33% rồi. Chắc chắn sẽ có những đáp án rất vô lý xuất hiện chỉ để làm rối những thí sinh không học bài, vì thế, những đáp án này sẽ được mình loại trừ đầu tiên.
Tiếp theo, cần chú ý những đáp án na ná nhau, thường có 3 đáp án theo kiểu X-Y, X-Z và Y-Z trong đề, nếu bạn biết chắc X là đúng, thì coi như bạn đã loại được thêm đáp án Y-Z, tăng cơ hội mình lên 50:50. Ngoài ra, những câu hỏi lý thuyết, nếu thực sự không nhớ, thường đáp án dài nhất hoặc đáp án “Cả 3 câu trên đều đúng” sẽ là lựa chọn tối ưu”.
Nguyễn Vĩnh Khương chia sẻ thêm: “Thi trắc nghiệm thông thường sẽ là thi dàn trải, bất cứ chi tiết nào trong sách giáo khoa cũng đều có nguy cơ ra thi. Nghe điều này có vẻ đáng sợ, nhưng thực tế, vì nó dàn trải, nên “mức độ sát thương” sẽ không cao, không quá xoáy sâu hoặc đánh đố. Lúc ôn thi, chú ý hệ thống hóa các dạng bài tập, lúc ra thi, mỗi dạng bài tập chỉ ra chừng 2-3 câu thôi, mà trong đó 2/3 là câu dễ, chỉ có 1 câu hơi khó hơn thôi. Ngoài ra khi giải thử bài trắc nghiệm ở nhà, những câu nào mình đánh đúng mà do đoán đúng, thì cần nghiêm túc rà soát lại lý thuyết hoặc tìm cách hiểu rõ vấn đề, để khi thi nếu gặp lại dạng bài này, mình sẽ không bị ảo tưởng và cơ hội giải đúng sẽ cao hơn”.
Lệ Thu
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn