63 tỉnh thành đều có trường chuyên
Tại buổi sơ kết, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) đã trình bày 6 mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án giai đoạn 2010-2016 gồm: xây dựng phát triển quy mô trường chuyên; nâng cấp các trường chuyên thành chuẩn quốc gia; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng trong các trường chuyên theo hướng tiếp cận với trình độ thế giới; tạo sự liên thông giữa bồi dưỡng năng khiếu học sinh trường chuyên với đào tạo đại học; tăng cường hợp tác giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín của nước ngoài.
Trong 6 mục tiêu, nhiệm vụ của đề án trên đây, ngoài việc tăng số lượng giáo viên, cán bộ quản lý đạt mức chuẩn nghề nghiệp..., nhiều mục tiêu quan trọng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Cụ thể, tại thời điểm xây dựng đề án (năm học 2009- 2010), cả nước có 68 trường chuyên, 7 khối chuyên, tỉnh Đắk Nông chưa có trường chuyên. Đến năm học 2015- 2016, tất cả 63 tỉnh đều có trường chuyên. Toàn quốc hiện có 86 trường chuyên và khối chuyên. Trong đó, 70 trường chuyên thuộc Sở GD&ĐT; 5 trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học; 2 khối chuyên thuộc trường ĐH; 9 khối chuyên thuộc trường THPT. Trong đó, nhiều tỉnh có 2 trường chuyên trở lên.
Về số lượng học sinh chuyên, đến năm học 2015-2016, số lượng học sinh đã vượt mục tiêu đề án đề ra 0,1%. Với kết quả trên, hệ thống trường chuyên đã được mở rộng về quy mô, số trường, lớp và số học sinh chuyên. Việc mở rộng quy mô được tính toán phù hợp với quy hoạch và nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương.
Năm học 2009-2010, có 21/68 trường chuyên đạt chuẩn quốc gia. Đa số các trường chuyên đều chật hẹp, không đủ phòng thí nghiệm. Hầu hết các trường đều thiếu kinh phí để cải tạo, nâng cấp và mua sắm thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, đến năm học này, đã có 47/75 trường chuyên đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trường đã bổ sung phòng học, thư viện, nhà tập đa năng…
Về việc đổi mới nâng cao chất lượng tuyển sinh đã được nhiều trường thực hiện. Chẳng hạn Trường chuyên Trần Phú (Hải Phòng), chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên Hạ Long (Quảng Ninh)… đã áp dụng đánh giá chỉ số IQ, EQ, AQ để tuyển sinh.
Nhiều trường chuyên đã tổ chức thí điểm dạy môn Toán và môn Khoa học bằng tiếng Anh. Một số trường đã tham gia các kì thi sử dụng tiếng Anh như: thi giải toán Singapore mở rộng, thi Hóa Hoàng gia Úc…
Còn 37,3% số trường chuyên chưa đạt chuẩn
Tại buổi sơ kết, ông Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng THPT chuyên Tuyên Quang không ngần ngại nhận định: “Từ nay đến khi kết thúc Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên, chúng tôi vẫn không thể trở thành trường chuẩn quốc gia”.
Lý giải về điều này, ông Thuận cho biết, là một trường chuyên ở tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc, đời sống nhân dân còn nghèo, đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn: không có khu nội trú, không có khu tập luyện TDTT… Nhiều năm gần đây, nhà trường đã mạnh dạn thí điểm phát triển chương trình giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực để nâng cao chất lượng dạy/học và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Về khó khăn này, cũng được Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận: “Mặc dù đạt nhiều thành tích nhất định, tuy nhiên với ngân sách còn hạn hẹp, nhất là các tỉnh khó khăn, việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho trường chuyên còn hạn chế. Hiện, 37,3% trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia. Một số trường đã được phê duyệt đến địa điểm mới nhưng còn thiếu kinh phí xây dựng trường”...
Phát biểu tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặt mong muốn: Làm sao hệ thống trường chuyên phải tiếp tục thực hiện giáo dục toàn diện, trên cơ sở đó bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh? Vấn đề thứ hai, hiện chúng ta chưa đầu tư nhiều cho trường chuyên nên sắp tới, cần đầu tư nhiều hơn và đầu tư sáng tạo hơn.
“Có những việc nếu không cầu thị không thể làm được. Tôi nhớ khi bắt đầu xây dựng đề án trường THPT chuyên có quy định Bộ GD&ĐT phải xây dựng chương trình cho trường chuyên, năng khiếu. Nhưng sau đó chúng ta chỉ có chương trình chung, các trường tự xây dựng chương trình của mình. Đến giờ, chúng ta thấy điều đó là đúng hướng” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, giáo viên giỏi ở trường chuyên phải là người đào tạo được học sinh giỏi hơn mình. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi các thầy cô phải sáng tạo, suy nghĩ thường xuyên và phải thực sự cầu thị.
Mỹ Hà
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn