Lập tức, điều này đã trở thành chủ đề nóng để các nghệ sĩ sôi nổi bàn luận, trở thành một buổi “toạ đàm” hiếm có. Trong cuộc bàn luận này, các nhân vật có mặt đã không ngại ngần bàn luận xung quanh các câu chuyện gây xôn xao mặt báo vì scandal của các giám khảo truyền hình thực tế…
Anh chị nhận lời làm giám khảo truyền hình thực tế ở Việt Nam trong hoàn cảnh nào?
Thanh Hà: Tôi nhận lời làm giám khảo thông qua lời giới thiệu của một vài đồng nghiệp. Ban đầu, BTC liên hệ với tôi qua Facebook nhưng tôi lại thường không mấy để ý phần inbox cho đến khi vài nghệ sĩ bảo “hãy xem phần tin nhắn đi, có công việc thú vị cho chị đó”.
Lý do nhận lời là tôi vừa mới hết hợp đồng với Trung tâm âm nhạc của Việt Nam ở hải ngoại vì vậy tôi mới có thời gian trải nghiệm một công việc mới mẻ và có cơ hội gần gũi với khán giả Việt Nam.
Tuấn Ngọc: Tôi ít nói vì tôi vẫn nghĩ theo cái quan niệm của người xưa là hành động nói lớn hơn lời nói mà làm giám khảo dù muốn hay không là phải nói. Cũng vì lý do đó mà tôi đã từ chối những lời mời làm giám khảo từ trước đây. Chương trình “Tiếng hát xanh” các thí sinh muốn tham dự phải có số tuổi từ 40 trở lên mà con người chúng ta, càng lớn tuổi thì những thú vui của mình lại càng giới hạn và vì vậy hát đối với tôi là một cái thú vui riêng rất đáng được khuyến khích, vì rất tốt cho tinh thần lẫn thể xác. Tôi hy vọng là với kinh nghiệm của tôi, với tư cách là một người ca sĩ , tôi sẽ giúp được ít nhiều cho các thí sinh.
Quang Lê: Thời gian tới tôi ngồi ghế nóng “Giám khảo tranh tài”. Trước đó, có nhiều chương trình mời tôi nhưng tôi không tiện nêu tên. Họ không có sự đầu tư, chỉn chu nên tôi không muốn xuất hiện. Sân khấu, ánh sáng, hình ảnh với tôi là những điều rất quan trọng, tôi không thể tùy tiện làm người hâm mộ thất vọng khi xuất hiện ở những nơi mà họ thấy quá khác so với Trung tâm âm nhạc mà tôi gắn bó. Điều đó cũng giống như việc tôi luôn hào hứng và dành thời gian cho liveconert “Đêm tình nhân” tại Hà Nội tới đây. Được tham gia vào những chương trình đẳng cấp, nghệ sĩ chúng tôi không chỉ cảm thấy mình đẹp hơn trong mắt khán giả mà còn vì thấy mình được trân trọng. Ai cũng muốn bản thân được trân trọng.
Bằng Kiều: Truyền hình thực tế chất lượng cũng tuỳ từng chương trình. Vietnam Idol chuyên sâu về ca hát đúng sở trường của tôi. Đây lại là chương trình uy tín từ trước tới nay. Vì thế, khi sắp xếp được thời gian, tôi đã lập tức nhận lời. Từ trước tới nay tôi luôn có những tiêu chuẩn nhất định khi tham gia một chương trình nào đó, kể cả việc biểu diễn và khi làm chương trình thì càng xem xét kỹ lưỡng hơn.
Có những chương trình giúp giám khảo nổi tiếng, có những chương trình làm đảo lộn cuộc sống, đứt gãy các mối quan hệ và bị mang tiếng xấu cả đời... Anh chị nghĩ sao về điều này?
Thanh Hà: Trước đó, khi tham khảo một số chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam và đọc thông tin về những vấn đề mà các đồng nghiệp mắc phải khi ngồi ghế nóng, tôi cũng hơi hoang mang. Rất may, hai chương trình tôi làm đều thuận lợi, suôn sẻ. Có lẽ vì tôi chưa phải một tên tuổi lớn nên người ta không cần tạo scandal với tôi chăng (cười lớn).
Tuấn Ngọc: Khi tôi đã nhận lời làm một việc gì tôi đều cố gắng với tất cả khả năng của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi làm giám khảo và tôi cũng chỉ dựa và sự hiểu biết về âm nhạc của tôi để cố gắng làm đúng vai trò mình trong phạm vi của người giám khảo. Cả đời tôi đứng ở trên sân khấu, khen chê là chuyện bình thường. Nhiều khi tôi còn học hỏi được nhiều ở trong sự thất bại nữa.
Quang Lê: Tôi không biết đó có phải do dàn dựng hay do chính mâu thuẫn xuất phát từ cá tính của các nghệ sĩ. Hoặc một câu chuyện khác: nhạc sĩ nổi tiếng như Quốc Trung tự nhiên lên báo chê dòng nhạc bolero là sến, ngay sau đó người ta thấy anh ấy ngồi ghế giám khảo The Voice. Tôi không rõ cái này có nằm trong chiến lược gây chú ý cho chương trình hay không nhưng nếu là tôi, yêu cầu tôi dàn dựng scandal trước khi làm giám khảo thì tôi không chấp nhận.
Bằng Kiều: Cá nhân tôi không có ý kiến sâu về vấn đề này. Chỉ riêng Vietnam Idol, từ trước tới nay chưa có scandal nào ảnh hưởng tới uy tín của thí sinh cũng như ban giám khảo, chỉ chuyên sâu về ca hát, nghệ thuật. Chính vì thế tôi mới chọn nó, thay vì các chương trình truyền hình thực tế khác. Riêng các chương trình khác, họ chọn yếu tố thu hút ngoài câu chuyện âm nhạc thì tôi không được biết và cũng không quan tâm.
Những câu chuyện của chính anh chị khi ngồi "ghế nóng" của các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam?
Thanh Hà: Chương trình “Tình Bolero” phiên bản nghệ sĩ nên với đồng nghiệp, tôi không dám lên mặt dạy bảo một ai. Tôi chỉ đóng góp ý kiến để họ tốt hơn. Đến “Người hát tình ca”, các em đều trẻ, gọi mình là chị/cô nên mình có tiếng nói mạnh mẽ hơn, các ý kiến nâng đỡ các em để các em đạt được những gì tốt nhất. Tôi không gặp khó khăn gì vì được ê kíp từ ánh sáng tới âm thanh giúp đỡ, có lẽ vì tôi là "khách" nên họ đối xử với tôi rất tử tế.
Tuấn Ngọc: Chẳng có gì mới lạ dưới ánh sáng mặt trời cả. Tôi chỉ làm giám khảo thôi chứ tôi có làm chuyện gì đáng sợ đâu. Nếu một người bạn của tôi sẽ không yêu tiếng hát của tôi nữa vì lần này tôi làm giám khảo thì đó là một điều rất khó hiểu đối với tôi.
Mới đây, diễn viên Hiếu Hiền bộc bạch rằng: “Nghệ sĩ chỉ là con rối trong tay nhà sản xuất”. Phạm Hương cũng nói chương trình The Face bị cắt xén làm thay đổi hình ảnh của hoa hậu. Với kinh nghiệm khi ngồi ghế nóng, anh chị nghĩ thế nào về điều này?
Thanh Hà: Mỗi chương trình truyền hình thực tế đều có một BTC, nhà sản xuất, một đạo diễn và họ phải làm sao để chương trình thu hút nhất. Mình phải thông cảm cho người ta vì chương trình chỉ có thời lượng nhất định nhưng mỗi người một câu, phải biên tập rất nhiều. Chưa kể phải tính toán thời gian cho quảng cáo. tôi làm nghề nhiều năm nên tôi hiểu và vì hiểu nên tôi chấp nhận. Mình muốn hơn, mình đòi hỏi nhưng mình không phải là nhất, mỗi người nhường một chút để công việc chung được hoàn hảo.
Bằng Kiều: Tôi vẫn nhấn mạnh rằng Vietnam Idol cho tới thời điểm này tương đối sạch sẽ uy tín về chuyên môn, ngoài ra chưa thấy có gì đáng tiếc trong chương trình. Tôi tin tưởng sự tôn trọng nghệ thuật của nhà sản xuất. Những chương trình khác tôi không theo dõi nên không nắm rõ.
Là những nghệ sĩ hải ngoại, các anh chị dễ dàng được nhà sản xuất thích thú và tạo làn gió mới khi về ngồi ghế giám khảo. Nhưng cũng chính các anh chị lại dễ hoang mang vì không hiểu thị trường âm nhạc trong nước. Những ưu nhược điểm này được các anh chị "biến hoá" như thế nào?
Thanh Hà: Tại sao gọi là ghế nóng? Ghế nóng thì mọi thứ sẽ nóng - ý là sẽ có vấn đề. Tôi nói điều này cho bản thân của mình chứ không phải cho ai. Mình phải trung thực, làm những điều đúng với lương tâm, nếu có chê ai cũng phải dùng những ngôn từ tế nhị để người bị chê không bị tổn thương và dễ dàng tiếp thu ý kiến. Ngay cả bản thân mình, ai chê mình mình có thích nghe đâu.
Bằng Kiều: Thực sự, trong nước và hải ngoại bây giờ ranh rới không có nào rõ rệt vì nghệ sĩ ở đâu cũng phục vụ cho khán giả Việt Nam. Chúng tôi cập nhập xu hướng cả hai thị trường. Bỡ ngỡ không còn là điều đáng kể, còn những kinh nghiệm tôi lấy từ chính quãng đời đi hát của mình, về chuyên môn bao nhiêu năm trong nghề này để ngồi ghế giám khảo, giúp phát hiện nhân tố mới cho nghệ thuật Việt Nam. Khán giả của chúng tôi vẫn được thưởng thức trọn vẹn một không gian âm nhạc về tình yêu, tình người gần gũi với bất kể ai, và cũng hợp xu hướng với bất kỳ nơi nào. Âm nhạc vốn không có ranh giới, thì tại sao nghệ sĩ hải ngoại và Việt Nam lại có ranh giới?.
Trấn Thành từng bị chê vì cứ ngồi ghế nóng là khóc. Thanh Hà cũng từng được truyền thông giật title: rơi nước mắt vì thí sinh. Anh chị nghĩ sao khi những cảm xúc quá mạnh của giám khảo luôn bị nghi ngờ là làm màu?
Thanh Hà: Khi mình là người của công chúng, người ta hay mang mình ra chỉ trích, khen ngợi… họ có quyền làm điều đó. Cảm xúc của tôi phát ra như vậy và tôi trung thực với nó. Ai nói tôi giả tạo tôi cũng không bực tức hay lên tiếng cải chính gì. Tôi luôn tâm niệm, mình không phải là nhất và những điều mình làm chưa phải đúng với suy nghĩ của tất cả mọi người. Nó đúng với mình là được. Mình sống sao để sau này, người ta hiểu mình và mình không phải ân hận.
Bằng Kiều: Không riêng giám khảo mà cả khán giả xem truyền hình không ít người rơi nước mắt khi gặp những trường hợp xúc động của thí sinh tham gia dự thi. Tôi nghĩ các giám khảo chẳng phải diễn vì nghệ sĩ bao giờ cũng nhạy cảm hơn, sự xúc động cũng đến trước.
Cám ơn các ca sĩ đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn