Nhạc nền bật trong không gian công cộng có thể khiến một số người khó tính cảm thấy khó chịu vì không hợp gu hoặc khiến họ cảm thấy bị phân tâm khỏi công việc của riêng mình, nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thực tế, âm nhạc có thể giúp nâng cao năng suất - chất lượng lao động và thái độ làm việc giữa những người trong cùng một nhóm.
Âm nhạc vui vẻ có thể giúp lên tinh thần, cải thiện tâm trạng, khiến người nghe làm việc tốt hơn, nhất là khi họ đang làm việc trong nhóm. Tuy vậy, nếu nghe nhạc rock “heavy mental” gằn gào lại có thể khiến người nghe trở nên “ích kỷ”, bớt đi tinh thần hợp tác nhóm.
Nghiên cứu của trường Đại học Cornell, New York, Mỹ, đã khẳng định rằng âm nhạc có thể tạo nên những tác động quan trọng đối với tinh thần hợp tác của những người trong cùng một nhóm.
Nghiên cứu có sự tham gia của 188 người thực hiện hàng loạt thử nghiệm, trong đó có 75 phụ nữ và 133 đàn ông, được phân vào 3 nhóm. Một nhóm chuyên nghe các bản nhạc vui vẻ, nhịp hơi nhanh; một nhóm nghe những bản nhạc rock “heavy mental”; một nhóm không nghe nhạc.
Những bài hát vui vẻ, nhịp nhanh khiến những người tham gia thử nghiệm làm việc tốt hơn, có tinh thần hợp tác hơn trong các nhiệm vụ nhóm. Ngược lại, với nhóm nghe những nhạc phẩm rock chói tai, rock “heavy mental”, tinh thần hợp tác nhóm bị giảm sút.
Giáo sư Kevin Kniffin chuyên nghiên cứu về khoa học hành vi ở trường Đại học Cornell, cũng là người đứng đầu nghiên cứu, khẳng định: “Âm nhạc là một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, nhạc nền được bật lên ở các không gian chung như siêu thị, phòng gym, phòng sinh hoạt chung… đều vô tình có những tác động đến tâm lý người nghe”.
Trong nghiên cứu của trường Đại học Cornell, những người tham gia thử nghiệm được phân vào 3 nhóm để cùng thực hiện những nhiệm vụ chung. Khi âm nhạc vui vẻ, nhịp nhanh được bật lên, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người tham gia thử nghiệm thực hiện các nhiệm vụ nhóm tốt hơn, tinh thần hợp tác tốt hơn.
Ngược lại, khi nhạc rock chát chúa, gằn gào được bật lên, những người tham gia thử nghiệm có xu hướng “giữ miếng” cho mình, họ chú tâm làm tốt phần của mình thay vì làm tốt cho công việc chung của nhóm. Ngoài ra, đối với nhóm nghiên cứu làm việc trong môi trường không bật nhạc, kết quả qua các lần thử nghiệm không có gì thay đổi.
Điều này cho thấy âm nhạc thực sự có tác động lên năng suất - chất lượng công việc theo những hướng khác nhau, và những phong cách âm nhạc khác nhau lại đưa tới những hiệu ứng khác nhau.
Daniel Powter - Bad Day
Bích Ngọc
Theo Daily Mail
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn