Trong Thương Ngày Nắng Về, chủ tịch Hoàng Long (NSND Tiến Đạt) không xuất hiện nhiều nhưng là nhân tố lớn nhất gây ra những tranh cãi, sóng gió trong phim. Ông ta là một gã mưu mô, xảo quyệt đầy toan tính. Khi chủ tịch Hoàng Long đột quỵ , tập đoàn Hoàng Kim rơi vào tình cảnh rối loạn, cuộc chiến tranh giành quyền lực nổ ra khiến người xem hồi hộp theo dõi.
Trước Thương Ngày Nắng Về, NSND Tiến Đạt đã là "cây đa", "cây đề" của sân khấu kịch và phim truyền hình. Chẳng hiểu vì sao, các đạo diễn thường xuyên chọn ông vào vai diễn phản diện nên NSND Tiến Đạt đã nhiều lần bị khán giả ghét lây vì nhân vật.
Số lần đóng vai chính diện đếm trên đầu ngón tay
NSND Tiến Đạt sinh ngày 13/09/1953, đang công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Ông từng đạt được các giải thưởng danh giá như: Huy chương Bạc do Bộ Văn hóa Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng năm 1999, Huy chương Vàng do Bộ Văn hóa Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao tặng (2004), giải Vai diễn xuất sắc nhất trong phim Chạy Án do Tạp chí Truyền hình Việt Nam bình chọn năm 2006...
Bên cạnh những vai diễn sáng giá trên sân khấu kịch, NSND Tiến Đạt còn sở hữu hàng loạt vai diễn ấn tượng trong các bộ phim nổi tiếng như Chạy Án, Xin Thề Anh Nói Thật, Mắc Cạn, Đứng Trước Một Công Trình, Cô Gái Nhà Người Ta... Hầu hết các nhân vật của ông đều là những vai có chức có quyền như cán bộ tỉnh, doanh nhân thành đạt, nhà tài phiệt,... nhưng ẩn sâu bên trong lại là kẻ thủ đoạn, mưu mô, âm hiểm, xảo quyệt.
Ông từng chia sẻ: “Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, vai tốt tôi đảm nhận chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, còn toàn được giao vai phản diện. Vai đểu đến nỗi đã thành sở trường, thành thương hiệu... nhưng tôi đểu đa dạng, đểu đặc sắc.
Tôi không lo ngại hay nghĩ đến sự nhàm chán vì luôn nhắc bản thân phải thích vai diễn, thích phim của mình trước đã. Sản phẩm nghệ thuật là món ăn mà bản thân mình không mê thì sao khiến người thưởng thức mê được. Và bằng chứng là cho đến giờ khán giả “ghét đến phát sợ” những vẫn thích sự “đểu giả trên màn ảnh” của tôi".
Sau mấy chục năm làm nghề, NSND Tiến Đạt tâm sự có nhiều lúc ông phải tiết chế lại, không phải lúc nào cũng “chường mặt” lên truyền hình khiến khán giả phát chán. Ông cho biết:
“Tôi quan niệm, nghệ thuật không quan trọng số nhiều. Có điều kiện, thời gian chăm chút cho kịch bản, vai diễn thì kết quả chắc chắn sẽ hơn kiểu nhận phim “ào ào”. Thú thật là thời gian qua tôi cũng nhận được khá nhiều lời mời nhưng đóng phim truyền hình tốn khá nhiều thời gian mà cứ ra khỏi Hà Nội để đi quay, tôi lại không đáp ứng được vì còn vướng kinh doanh nên tôi từ chối".
Thường đóng vai "hai mặt" trên phim nhưng ngoài đời NSND Tiến Đạt lại được đồng nghiệp khen là hiền, "không hiểu các đạo diễn nhìn thế nào, toàn giao vai “cường hào ác bá”. Lúc mới vào nhà hát, tôi cũng nghĩ anh này chắc ghê lắm, sau sống lâu mới biết". Còn NSND Trung Hiếu cho biết đồng nghiệp ở Nhà hát Kịch Hà Nội thường nói đùa rằng NSND Tiến Đạt giống như một chiếc đồng hồ, luôn chính xác, chỉn chu và đều đặn.
Tuổi U70 êm ấm bên người vợ cùng vượt khó
Gia đình NSND Tiến Đạt.
NSND Tiến Đạt và bà xã - nghệ sĩ Hồng Loan nên duyên vợ chồng vào năm 1978, sau thời gian dài yêu nhau. Cả hai là bạn cùng lớp khoa Kịch nói, trường Sân khấu Điện ảnh khóa 1968 - 1971. Sau khi kết hôn, ông công tác tại Đoàn kịch Quảng Ninh còn vợ chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương (Hà Nội). Ông biết tin vợ có bầu qua thư, vốn thích con gái nên dặn vợ đặt tên con là Nguyễn Thị Hồng Giang.
Kết quả lúc vợ sinh, ông nhận được điện tín với nội dung: "Con trai, 2,8 kg" nên ngẩn người không biết đặt tên con là gì. Sau đó, ông nghĩ con anh cả tên Tuấn Tú, thì con mình là Tuấn Minh.
Năm 1979, Tiến Đạt xin chuyển công tác từ Quảng Ninh về Hà Nội để gần vợ con. Đồng lương nghệ sĩ ít ỏi, vợ chồng ông phải làm thêm nhiều nghề để sinh sống. Có lúc bà bán bánh mì pate, ông bơm bật lửa gas. Sau đó, cả hai chuyển sang làm bánh đậu, bánh khảo. Tranh thủ lúc không đi diễn, bà làm bánh, ông đảm nhận giao hàng.
NSND Tiến Đạt trải lòng: "Nghĩ lại bây giờ vẫn thấy khổ khủng khiếp. Nhưng trong cái khổ thì tình thương lớn lắm, nhờ đó mà chúng tôi vượt qua hết".
Trong giai đoạn nghề diễn gặp khó khăn, NSND Tiến Đạt quyết định quay trở lại nghề may. Cha ông là nghệ nhân Nguyễn Tiến Thành - chuyên may complet cho chính khách những thập niên thế kỷ 20, nên từ bé nghệ sĩ Tiến Đạt đã làm quen với cây kéo, tấm vải, cuộn chỉ và được kỳ vọng nối nghiệp cha. Dù 38 tuổi mới bắt đầu trở lại với nghề truyền thống của gia đình nhưng ông nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật may và dần được khách hàng yêu thích. Công việc này giúp cuộc sống của vợ chồng ông trở nên sung túc hơn.
Nam nghệ sĩ hài hước kể nhiều khách hàng đến tiệm không phải vì quần áo mà ngưỡng mộ vai diễn của ông. "Họ cầm đến tiệm một mảnh vải như cái cớ để được gặp, trò chuyện, chụp ảnh cùng khiến tôi thấy tự hào nghề nghiệp", NSND Tiến Đạt nói.
Ở tuổi U70, NSND Tiến Đạt cảm thấy hài lòng với cuộc sống bình yên của mình. Không chỉ ngày lễ mà bình thường ông vẫn thường xuyên vào bếp nấu ăn thay vợ. Ông thường đùa rằng cuộc đời mình có 3 "người vợ". Vợ cả là bà xã Hồng Loan, vợ 2 là nghề may gia truyền còn vợ 3 là nghề âm thanh mà ông theo đuổi.
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chu-tich-thuong-ngay-nang-ve-u70-co-toi-3-nguoi-vo...
Thương ngày nắng về
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn