Hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Nâng cấp hạ tầng phạt mới thuyết phục
Từ 1.2.2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 155) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định trên thay thế cho Nghị định 179/2013 Chính phủ ban hành năm 2013.
Trong nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Ví dụ, hành vi tè bậy xe bị phạt từ 1-3 triệu đồng; vứt đầu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt từ 1-3 triệu, tương tự phạt 5-7 triệu nếu vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố…
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng là cần thiết, để nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, khi việc người dân xả rác sinh hoạt bừa bãi ra đường phố, vỉa hè hay vô tư tiểu tiện, đại điện ngoài đường khá phổ biến và ảnh hưởng tới môi trường chung, gây phản cảm.
Tuy nhiên, theo luật sư Tuấn Anh, mức phạt hàng triệu đồng đối với các hành vi tiểu tiệu hay xả rác lên vỉa hè là khá cao so với mức thu nhập của nhiều người dân Việt Nam. Nhiều lao động có thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn tài chính nếu vi phạm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nơi công cộng lại chưa đáp ứng được nhu cầu vệ sinh của người dân.
“Tôi thấy hệ thống vệ sinh công cộng của chúng ta hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều nơi công cộng như bến xe, thậm chí bệnh viện dù có nhà vệ sinh nhưng lại không đảm bảo vệ sinh, người dân còn e ngại khi sử dụng.
Nếu có một nhà vệ sinh sạch sẽ, tôi tin rằng người dân sẽ vui vẻ trả tiền để đi vệ sinh chứ không dại gì tè bậy để chịu phạt nặng.
Vì vậy, chúng ta cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, khi nó đáp ứng được nhu cầu của người dân nhưng vẫn có người vi phạm thì việc phạt nặng sẽ thuyết phục hơn”, luật sư Tuấn Anh nêu ý kiến.
Tuyên truyền trước, xử phạt sau
Thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó Cục trưởng Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, chất lượng môi trường hiện nay ngày càng suy giảm nghiêm trọng vì vậy để cải thiện cần nhiều giải pháp, việc tăng mức phạt là một biện pháp. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là nâng cao ý thức của người dân.
“Một số người dân vẫn thiếu ý thức gìn vệ sinh nơi công cộng, họ cũng chưa nắm được các quy định xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng thì họ mới không vi phạm.
Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng. Tôi lấy ví dụ, muốn người dân không đứng tiểu tiện bậy thì các thành phố phải bố trí các nhà vệ sinh để người dân thuận tiện giải quyết khi có nhu cầu. Nếu không có chỗ cho người dân vệ sinh thì dễ dẫn tới hành vi vi phạm”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nói.
Theo quy định tại điều 48, Nghị định 155, lực lượng công an nhân dân, Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra chuyên ngành môi trường… sẽ có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định 155.
Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, lực lượng công an như cảnh sát môi trường hiện nay chủ yếu tập trung xử lý các trường hợp vi phạm có tình chất tội phạm về môi trường như các doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường… Việc xử lý các hành vi vi phạm tiểu tiện bậy, đi xe xả rác ra đường rất hạn chế.
Tuy nhiên, Tướng Quân cho biết, lực lượng công an sẽ xử phạt nếu phát hiện các vi phạm về môi trường hoặc được người dân cung cấp hình ảnh vi phạm.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn