Ùn tắc trên Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã xảy ra từ chiều 1/5. Ảnh: Lê Hữu Việt
Tình hình ùn tắc trên tuyến cao tốc về Thủ đô bắt đầu gia tăng vào chiều 2/5, dự kiến sẽ tiếp tục căng thẳng vào chiều tối nay. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tình hình ùn tắc đã xảy ra trên diện rộng dọc cả tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Pháp Vân – Cầu Giẽ vào buổi ngày, chiều tối ngày 1/2 và 2/5. Thậm chí, tình trạng ùn ứ còn xảy ra trên QL 1 A qua Thanh Hoá, Ninh Bình.
Ông Khôi cũng xác nhận, trong hai ngày qua, tình trạng ùn ứ tại trạm thu phí cuối cùng của hai tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Pháp Vân – Cầu Giẽ trước khi vào Thủ đô có xảy ra nhưng chưa xảy ra ùn tắc kéo dài.
Về giải pháp, ông Khôi cho hay, công ty đã mở thêm 3 cửa thu phí chiều ngược lại để giải toả cho xe từ phía Nam ra Hà Nội. “Từ giờ đến tối, nếu xảy ra ùn tắc chúng tôi sẽ dỡ barie cho xe qua. Tại trạm, đang có cán bộ của Cục CSGT và Thanh tra giao thông của Cục quản lý đường bộ 1, Tổng cục Đường bộ túc trực, nếu họ yêu cầu, chúng tôi sẽ mở trạm ngay” – ông Khôi nói.
Trong vài ngày qua, nhiều ý kiến nghi ngờ chủ đầu tư tạo ra các sự cố, va chạm dọc tuyến, sau đó điều tiết xe dần xe về trạm để không phải tháo khoán dẫn đến thất thu hay bị phạt tiền vì gây ra ùn tắc.
Trả lời nghi vấn này, ông Khôi khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ áp dụng biện pháp đó mà cùng CSGT tiến hành các biện pháp phân luồng phương tiện từ xa. Nguyên nhân các sự cố trên cao tốc có rất nhiều, như nhiều người lái nghiệp dư, lâu ngày không lái, đến lễ thì thuê xe; có nhiều xe để vài tháng không đi, đến ngày lễ mới sử dụng nên cũng xảy ra hỏng hóc” – ông Khôi nói.
Các giải pháp phân luồng từ xa cùng CSGT được chủ đầu tư thực hiện cùng CSGT gồm: Khi lượng xe tại các trạm thu phí vào cao tốc đông, ách tắc, CSGT sẽ phân luồng cho xe di chuyển theo QL 1A, không đi vào cao tốc. Ngoài ra, theo ông Khôi, việc thông xe tại nút giao Pháp Vân cần được đặc biệt chú ý để tránh ùn tắc trên cao tốc.
Trước dịp lễ 30/4 và 1/5, Tổng cục Đường bộ yêu cầu tất cả các trạm BOT phải mở barie các trạm thu phí nếu xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhằm đảm bảo trật tự ATGT dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Nếu các trạm thu phí không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng, mức phạt cao có thể lên đến 70 triệu đồng. Cụ thể, các nhà đầu tư sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46-NĐ/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Các mức phạt khác bao gồm: Phạt tiền từ 8–10 triệu đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 100 xe đến 150 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí từ 750 m - 1.000 m hoặc để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 10-20 phút. Mức phạt tăng lên từ 10- 20 triệu đồng nếu để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ lớn hơn 150 - 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí lớn hơn 1.000 m đến 2.000 m hoặc để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20- 30 phút. Mức phạt sẽ là từ 30–40 triệu đồng nếu để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ lớn hơn 2.000 m hoặc để thời gian đi qua trạm thu phí lớn hơn 30 phút. Phạt tiền từ 50–70 triệu đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn