Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc thu mua gỗ hương giáng với giá rất cao khiến nhiều người tại tỉnh Quảng Bình bất chấp nguy hiểm, xâm nhập khu vực vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để khai thác.
Theo những lời đồn thổi trong giới phong thủy, gỗ hương giáng làm phong thủy rất tốt. Nó có mùi thơm dễ chịu, có thể trừ tà ma, giúp gia chủ công việc hanh thông, sức khỏe tốt… vì thế, nó được coi như “báu vật”.
Gỗ hương giáng được xem như “báu vật” trong giới phong thủy
Thống kê của lực lượng hạt kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay, từ tháng 10/2016 đến nay, đơn vị đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 15 vụ vi phạm. Trong đó có 3 vụ khai thác trong lâm phận vườn quốc gia và 12 vụ vận chuyển trên địa bàn vùng đệm. Tang vật thu giữ gần 1 tấn gỗ hương giáng.
Việc người dân đổ xô vào rừng khai thác gốc, rễ cây hương giáng gây thiệt hại tài nguyên rừng, nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Ông Đinh Huy Trí – Phó Giám đốc VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, tình trạng người dân khai thác gỗ hương giáng bán cho thương lái Trung Quốc là có. Hiện các khu vực vùng đệm đang bị xâm hại nhưng vùng lõi vẫn đang an toàn.
“Vườn đã tăng cường lực lượng kiểm lâm chốt chặn ở những khu vực có gỗ hương giáng để phòng ngừa. Tuy nhiên, do lực lượng kiểm lâm còn mỏng, trong khi hương giáng phân bổ ở nhiều nơi nên khó kiểm soát. Vườn đã gửi công văn lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh báo cáo tình hình và đề xuất phương án phối hợp ngăn chặn”, ông Trí nói.
Ông Đoàn Thanh Bình – Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay, quá trình khai thác và vận chuyển gỗ hương giáng ra khỏi rừng chỉ mất một thời gian ngắn. Hơn nữa, các đối tượng thường hoạt động vào thời gian sáng sớm hoặc chập tối nên khó phát hiện.
Việc kiểm soát khai thác và vận chuyển hương giáng lậu của lực lượng kiểm lâm đang gặp nhiều khó khăn
Theo ông Bình, gỗ hương giáng có lõi màu đen, nhiều vân, vỏ màu vàng có nhiều u, mú. Lâu nay, loại gỗ này người dân bản địa không dùng để làm mộc mà chỉ đốt để xông nhà vì có mùi rất thơm. Đặc biệt, loại gỗ này chưa được phân loại nên chưa xác định nhóm.
Trước đây, vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng từng được mệnh danh là “vương quốc huê (sưa) cổ thụ”. Từ khi Trung Quốc ồ ạt thu mua loại gỗ này thì cả vùng đệm và vùng lõi vườn quốc gia không còn bóng dáng loài cây này nữa.
Thiết nghĩ, để không phải gặp lại trường hợp tương tự khi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ vắng bóng cây hương giáng thì lực lượng kiểm lâm cần tăng cường kiểm tra. Đồng thời, nhanh chóng xác định giá trị, chủng loại của loại gỗ này để có căn cứ xử lý các đối tượng vi phạm.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn