Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, trong suốt quá trình mang thai, phụ nữ mang thai chỉ cần siêu âm 3 lần là đủ để theo dõi sự phát triển và phát hiện dị tật của trẻ nhưng hầu hết chị em, nhất là ở các thành phố, thị xã thì số lần siêu âm được thực hiện gấp nhiều lần. Việc lạm dụng này không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn ảnh hưởng tới não bộ, thính lực, cân nặng… của thai nhi.
Lạm dụng siêu âm khi khám thai là phổ biến
Ở cả hai lần mang thai, chị Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội) đều đặn khám thai 9-10 lần, trung bình cứ 1 tháng chị lại siêu âm thai 1 lần mặc dù bác sĩ cho biết thai nhi phát triển tốt. Và không chỉ riêng chị Thủy, nhiều bà mẹ mang thai đã chia sẻ trên 1 diễn đàn rằng mặc dù biết siêu âm nhiều không có lợi cho thai nhi nhưng không siêu âm thì không biết con phát triển thế nào nên hầu như các mẹ đều khám thai rất nhiều lần.
Nickname vandolce cho biết, khi mang thai mới được 19 tuần đã siêu âm tới 15 lần bao gồm cả 2D và 4D, giadinhXoaiyeu siêu âm cả thảy 22 lần khi mang thai đứa con đầu, baby-yeudau thì kể rằng em gái từ lúc mang thai đến khi sinh đếm được 35 phiếu siêu âm… và còn rất nhiều các trường hợp khác cũng lạm dụng siêu âm để thỏa trí tò mò của mình khi cả mẹ và thai nhi đều không có dấu hiệu đáng lo lắng nào.
Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi?
Theo GS.TS. Vương Tiến Hòa - chuyên gia sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, siêu âm thai là cần thiết trong việc quản lý và theo dõi thai kỳ nhưng hiện nay, hầu hết các phòng khám đang lạm dụng siêu âm để khám thai.
Nếu tiếp xúc ở mức độ vừa phải, hợp lý về thời gian và cường độ thì sóng siêu âm rất an toàn với thai nhi nhưng nếu lạm dụng với cường độ dày, nhiều lần tác động đến phôi thai là tế bào non thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
Theo nghiên cứu gần đây nhất của các nhà khoa học Thụy Điển, việc các bà mẹ khi mang thai lạm dụng chuyện siêu âm có thể gây tổn thương đến não bộ của thai nhi. Theo đó, não bé trai có nguy cơ tổn thương nhiều hơn, để lại dị tật lâu hơn so với bé gái.
Các nhà khoa học tại Khoa sản và phụ khoa, Bệnh viện King Edward Memorial, Australia cũng đã nghiên cứu 2.834 phụ nữ có thai từ 16-20 tuần tuổi thai, trong đó 1.415 người thuộc nhóm chuyên sâu được chọn ngẫu nhiên để siêu âm thường và siêu âm màu (siêu âm doppler) liên tục tại thời điểm thai nhi được 18, 24, 28, 34 và 38 tuần tuổi, 1.419 người thuộc nhóm thường xuyên chỉ siêu âm duy nhất 1 lần tại thời điểm thai 18 tuần tuổi. Kết quả cho thấy có sự hạn chế tăng trưởng trong tử cung cao hơn đáng kể ở nhóm chuyên sâu so với nhóm thường xuyên, thể hiện ở cân nặng lúc sinh ở trẻ siêu âm nhiều nhẹ cân hơn so với nhóm ít siêu âm.
Một nghiên cứu lớn tại Anh cho thấy các bà mẹ khỏe mạnh và trẻ sơ sinh thực hiện siêu âm màu từ 2 lần trở lên có nguy cơ tử vong chu sinh cao gấp 2 lần so với trẻ sơ sinh không thực hiện siêu âm này. Không chỉ thế, quá trình siêu âm, đặc biệt là siêu âm doppler gây tăng nhiệt độ của cơ thể mẹ và bào thai, có thể vượt qua ngưỡng an toàn là 1,4 - 1,8 độ C và làm phát triển dị tật bẩm sinh bất thường, nhất là đối với não của trẻ.
Đối với xu hướng siêu âm thai nhi phi y tế (còn được gọi là “vật kỷ niệm” siêu âm), được định nghĩa là sử dụng sóng siêu âm để xem, chụp ảnh hoặc xác định giới tính thai nhi mà không có chỉ định y khoa lại càng nguy hại. Điều này liên quan đến thời gian thai nhi tiếp xúc với kỹ thuật 3D, 4D dài hơn có thể gây tổn hại cho trẻ.
Do vậy, các tổ chức lớn như Sản phụ khoa American College, Viện Siêu âm trong y học Mỹ, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) không khuyến cáo siêu âm lưu niệm.
Làm gì để giảm số lần siêu âm trong thai kỳ?
Siêu âm không an toàn 100%, đặc biệt là siêu âm màu. Sự tổn hại do siêu âm có thể là sinh lý như cân nặng, chiều cao, phát triển não bộ… và cũng có thể là tâm lý. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai nên giảm số lần siêu âm bằng cách tự mình nhận thức được tác hại của siêu âm, kiên nhẫn chờ đợi đến ngày khám thai và không thực hiện siêu âm lưu niệm.
Cụ thể, chỉ siêu âm khi có chỉ định y khoa, tức là chỉ khi có vấn đề nghi ngờ, chứ không phải là một việc tầm soát thông thường để xác định giới tính của em bé hoặc kiểm tra về sự phát triển của nó; hạn chế thấp nhất tổng thời gian phơi sáng (thời gian siêu âm) bằng cách chọn bác sĩ sản khoa có kỹ năng và hiểu biết.
Hạn chế cường độ tiếp xúc, nghĩa là tránh siêu âm màu, nhất là trong 3 tháng đầu do việc chiếu liên tục của máy siêu âm trong vòng 1 phút sẽ làm tăng thân nhiệt của người mẹ lên khoảng 1-5oC sẽ gây những tổn thương nghiêm trọng ở não và thành mạch máu của thai nhi.
Theo Lê Mỹ Giang
Sức khỏe & Đời sống
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn