Giải thích có cần thiết?
Sau khi MV "Chờ người" chính thức lên sóng, giọng ca nhí Phương Mỹ Chi đã trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích cho rằng việc cô bé 13 tuổi hát nhạc tình yêu là phản cảm, không thể chấp nhận được và nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại tuyên bố sẽ "cấm tiệt" con em mình nghe nhạc của Phương Mỹ Chi hát.
Giữa "sóng gió" dư luận, những fan hâm mộ Phương Mỹ Chi không ngừng bảo vệ thần tượng và cho rằng, trong nội dung MV, cô bé dân ca không hề diễn cảnh yêu đương phản cảm mà ê-kíp dàn dựng đã làm mới câu chuyện tình yêu từng rất mùi mẫn, "đóng đinh" tên tuổi của ca sĩ Như Quỳnh bằng nội dung khác.
Trong MV này, Phương Mỹ Chi vai cô bé nghèo được thầy giáo mua sách vở, định hướng tương lai nhưng sau nhiều kỷ niệm gắn bó, người thầy phải trở lại thành phố.
Lời gỡ gạc cho Phương Mỹ Chi khẳng định, khán giả đang cố mặc định ca khúc "Chờ người" chỉ thuần nói về tình yêu nam nữ và mối tình dang dở. Nhưng lời giải thích này liệu có cần thiết không? Có lẽ là không!Phương Mỹ Chi (phải) bị khán giả so sánh với ca sĩ Như Quỳnh
Phương Mỹ Chi (phải) bị khán giả so sánh với ca sĩ Như Quỳnh
Trước hết, cần nhìn nhận: Mọi chi tiết như hình ảnh, video... chỉ mang tính minh họa cho gốc gác quan trọng nhất là nội dung, giai điệu một ca khúc. Điều đó có nghĩa là sự minh họa có thể hoặc không thể được chấp nhận nên sự gỡ gạc cho Phương Mỹ Chi bằng luận điểm theo kiểu: Ca khúc yêu đương nam nữ nhưng cô ấy không "diễn" thế, cũng bằng không!
Sự chuyển hướng của Phương Mỹ Chi từ nhạc dân ca sang bolero tất yếu sẽ mang lại những thay đổi, trong đó có vấn đề khó có thể nói không với nhạc tình yêu - mảng đề tài được coi là lôi cuốn, ám ảnh nhất của thể loại nhạc này. Phương Mỹ Chi và ê-kíp của cô bé chấp nhận sự thử nghiệm này đồng nghĩa với việc họ đã xác định được phản ứng của khán giả và chấp nhận điều đó.
Vậy cô bé 13 tuổi có đáng nhận "gạch đá" từ dư luận khi hát nhạc tình? 11 tuổi, cô bé dân ca này đã tạo nên cơn sốt với ca khúc "Quê em mùa nước lũ". Một ca khúc như vậy ai dám bảo rằng đó là bài hát dành cho đối tượng trẻ em? Ấy vậy mà số đông vẫn dành sự ngưỡng mộ vì giọng hát tuyệt vời, lay động của cô bé và cái ngưỡng "anh - em" trong bài hát đã vượt ra khỏi giới hạn tình yêu nam nữ bằng niềm thương xót cho mùa lũ miền Tây, cho những nỗi đoạn trường, cơ cực.
Qua đó, có thể nhận thất, điều khiến Phương Mỹ Chi bị chỉ trích không phải việc hát nhạc người lớn mà ở chỗ cô bé đã hát ca khúc có nội dung chạm tới cái ngưỡng mà số đông cho rằng "không phải của trẻ con" với những ca từ: lưu luyến, hẹn hò, thề ước, sầu thương, dang dở... Chưa kể, điều này còn đối lập hoàn toàn với hình ảnh cô bé dân ca tạo dựng trước đó. Như vậy có công bằng với Phương Mỹ Chi hay không?
Với một ca khúc, nội dung, ca từ góp phần tác động đến sự cảm nhận của khán giả nhưng đó không phải là tất cả mà trên hết là giai điệu, là cảm xúc mà người hát mang lại. Chẳng hạn, ca khúc nổi tiếng "Mùa thu trong mưa" khi được thể hiện với giọng ca của danh ca Lệ Thu gợi cảm xúc u sầu, ám ảnh nhưng với tiếng hát Ngọc Lan lại long lanh, tinh khiết...
Tương tự, với ca khúc "Chờ người", giọng ca Như Quỳnh đã "đóng đinh" trong lòng công chúng nhiều thế hệ bằng cảm xúc thiết tha, hoài nhớ, xót thương nhưng những khán giả chỉ trích Phương Mỹ Chi đã bao giờ tự hỏi: Ngoài những ca từ được cho là "trẻ con không được hát" trong ca khúc này thì cảm xúc Phương Mỹ Chi mang lại là gì? Nó có thực sự khác với cảm xúc, liên tưởng khi họ nghe ca sĩ Như Quỳnh hát?
Hãy chờ đợi...
Sau khi MV gây tranh cãi, công chúng quan tâm đến giọng hát của Phương Mỹ Chi đã chia làm hai "phe". Bên cạnh những ý kiến ủng hộ sự thay đổi, thử nghiệm của cô bé bằng thể loại khác cũng có bình luận kiểu "xin em, em hãy giữ nguyên quê mùa". Mong mỏi, kỳ vọng từ công chúng là nhu cầu cần thiết nhưng người quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định ấy là Phương Mỹ Chi - một cô bé mới 13 tuổi.
Bấy lâu nay, ngay cả khi đã có vị trí trong lòng công chúng, cô bé dân này vẫn thường xuyên phải đối diện với những lời chê trách dạng: Chỉ "một màu", biết hát mỗi dân ca... Tuy nhiên, một thực tế mà nhiều người ít để ý rằng không ít khán giả đang rất bảo thủ, chỉ chấp nhận Phương Mỹ Chi trong hình ảnh một cô bé hát dân ca với quần áo bà ba, khăn rằn vắt vai, chân đi guốc mộc. Đến nỗi, hễ cô bé ấy đeo chiếc đồng hồ hạng sang, khoác lên mình bộ cánh khác... trong khoảnh khắc đời thường thì lập tức xuất hiện sự soi mói, nghi ngờ, phán đoán.Cô bé dân ca và bạn diễn Trung Quang trong MV Chờ người
Cô bé dân ca và bạn diễn Trung Quang trong MV Chờ người
Không phải đến bây giờ mới có giọng ca nhí bị chỉ trích khi hát nhạc người lớn mà trước Phương Mỹ Chi những "ngôi sao" đình đám một thời như: Bé Châu, bé Lon Ton, HKT-M... cũng từng gây "nóng mắt" với những ca khúc yêu đương, trình diễn sexy bên các người mẫu... và đến bây giờ gần như những gương mặt này đã "im thin thít và lặn mất tăm" khỏi đời sống giải trí.
Nếu so sánh cách Phương Mỹ Chi thể hiện trong MV "Chờ người" với những màn trình diễn "không thể sexy hơn" của các "sao nhí" một thời sẽ thấy "cảm giác người lớn" ở cô bé dân ca chẳng thấm tháp gì. Vẫn còn đó cái chất dân ca mộc mạc trong trang phục, biểu cảm, cách xử lý ca khúc... cho đến cảm giác mà Phương Mỹ Chi mang lại cho khán giả.
Đương nhiên, những phụ huynh có lý lẽ, cảm xúc để lo lắng cho con em mình chịu tác động thiếu tích cực từ đời sống. Họ có thể ra lệnh cấm con xem một bộ phim bị gắn mác 18+ phát trên kênh truyền hình quốc gia bất cần biết bộ phim ấy đã qua biên tập, cắt hết cảnh nóng hay "nói gần nói xa" khuyên con từ nay không nghe Phương Mỹ Chi hát...
Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện những phản ứng nhất thời ấy thường không mang lại hiệu quả như các bậc cha mẹ mong mỏi bởi cuộc sống đầy cám dỗ ngoài kia, thông tin không giới hạn từ những chiếc điện thoại thông minh họ không ngần ngại sắm cho con dù con chưa đủ tuổi dùng lắm khi còn "nguy hiểm" hơn nhiều so với niềm lo sợ con "yêu sớm", "hư sớm", "bắt chước" khi nghe Phương Mỹ Chi hát!
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn