So với thành tích có được trong cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2015, các đội thi Việt Nam đã có bước tiến khá dài khi giành tới 5 vị trí trong Top 10 cuộc thi WhiteHat Grand Prix năm nay. Đặc biệt 2 đội CLGTftMeePwn và BabyPhD đã mang về cho Việt Nam 2 giải Nhì, Ba.
WhiteHat Grand Prix 2016 có chủ đề Discovering Vietnam
Chiều ngày 19/12, Tập đoàn công nghệ Bkav đã chính thức công bố kết quả Vòng loại cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2016.
Kết thúc 24 giờ tranh tài sôi nổi của hơn 500 đội thi đến từ 52 quốc gia trên thế giới, giải Nhất trị giá 225 triệu đồng (tương đương 10.000 USD) của WhiteHat Grand Prix 2016 đã thuộc về đội 217 (Đài Loan) với 8.360 điểm. Đây là đội thi đã giành ngôi quán quân cuộc thi cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2015 với chủ đề "Hello Vietnam". Đây cũng là đội dẫn đầu trong cuộc thi thực hành kiến thức an ninh mạng WhiteHat Contest 12 diễn ra hồi trung tuần tháng 9/2016 với sự góp mặt của 346 đội thi trên toàn thế giới.
Cũng theo công bố của ban tổ chức, giải Nhì trị giá 45 triệu đồng (tương đương khoảng 2.000 USD) và giải Ba trị giá 25 triệu đồng (tương đương khoảng 1.000 USD) của cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2016 đã lần lượt thuộc về 2 đội thi cùng của Việt Nam là CLGTftMeePwn và BabyPhD, với các điểm số không quá cách biệt 5.700 và 5.500 điểm.
Về đích ở vị trí thứ Tư và thứ Năm của bảng xếp hạng là đội DragonSector2 của Ba Lan và đội dcua đến từ Ukraina. dcua hiện đội đang đứng đầu trên Bảng xếp hạng thế giới CTF Time. Các vị trí còn lại trong bảng xếp hạng 10 đội thi xuất sắc nhất cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix năm nay lần lượt thuộc về các đội: ISITDTU (Việt Nam), PiggyBird (Việt Nam), Samurai (Ukraina, Mỹ), NightSt0rm (Việt Nam) và Bushwhackers (Nga).
Danh sách các đội nằm trong Top 10 WhiteHat Grand Prix 2016
Theo ban tổ chức WhiteHat Grand Prix 2016, chất lượng các đội chơi của nước chủ nhà Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Điều này thể hiện rõ ở các vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng WhiteHat Grand Prix 2016. Có nhiều thời điểm, đội chơi CLGTftMeePwn đã dẫn đầu bảng xếp hạng cuộc thi an ninh mạng toàn cầu. Các thành viên của CLGTftMeePwn cũng được tập hợp từ hai đội rất mạnh trước kia. Trong khi đó đội chơi BabyPhD đã rất "quen thuộc" trong các cuộc thi an ninh mạng do Bkav tổ chức, còn Piggy là đội chơi tới từ Viettel.
"Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực chuẩn bị và thi đấu của các đội thi đến từ Việt Nam, khi có 2/3 đội Việt Nam nằm trong Top 3 chung cuộc và cũng có những thời điểm đội Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng", đại diện ban tổ chức WhiteHat Grand Prix 2016 nhận định.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin và ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Tập đoàn Bkav nhấn nút khởi động vòng thi chung kết WhiteHat Grand Prix 2016
Cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix được tổ chức lần đầu tiên ở cấp quốc gia vào năm 2014 và bắt đầu mở rộng ra quy mô toàn cầu từ năm 2015. Trong năm thứ hai cuộc thi được Bkav tổ chức ở quy mô toàn cầu, WhiteHat Grand Prix 2016 có chủ đề "Khám phá Việt Nam" (Discovering Vietnam). Qua các năm, cuộc thi an ninh mạng này đã thu hút được sự tham gia của những đội chơi dẫn đầu bảng xếp hạng an ninh mạng uy tín trên thế giới - CTFTime.
Năm nay, với chủ đề "Khám phá Việt Nam", tham gia cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2016, các chuyên gia an ninh mạng trên toàn thế giới không chỉ có cơ hội đua tài, thể hiện trình độ, năng lực mà còn được hiểu thêm về văn hóa Việt thông qua ẩm thực của mọi miền đất nước.
Cuộc thi gồm có 35 câu hỏi, mỗi câu hỏi sẽ mang tên một món ăn là đặc sản các vùng miền của Việt Nam như: chả cá Lã Vọng, bún bò Nam Bộ, bánh xèo, bánh cuốn, bún chả, xôi ngũ sắc, bánh bột lọc, bánh tráng cuốn thịt heo, cháo lươn, bánh ít lá gai, phở khô, bánh phu thê, bánh chưng, bánh bột chiên... Và mỗi khi giải được một câu hỏi, các đội thi sẽ khám phá được một món đặc sản của Việt Nam.
Các món ăn Việt Nam trở thành chủ đề của WhiteHat Grand Prix 2016
WhiteHat Grand Prix 2016 diễn ra liên tục trong 24 giờ, từ 17-18/12, với số lượng bài tăng gấp rưỡi so với năm ngoái. Các đội thi theo hình thức Jeopardy, giải các câu hỏi thuộc chủ đề Web Exploit (lỗ hổng web), Reverse (dịch ngược), Pwnable (khai thác lỗ hổng phần mềm), Forensics (điều tra số) và Crypto (phá mã).
G.L
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn