Đủ chiêu “bẫy” người dùng

Thứ năm - 06/10/2016 05:36

Đủ chiêu “bẫy” người dùng

Có rất nhiều chiêu trò cài dịch vụ di động trả phí mà người dùng không biết nên đăng ký sử dụng.

Sau vụ Sam Media âm thầm “móc túi” người dùng di động hơn 230 tỉ đồng, nhiều người kiểm tra thuê bao đã “té ngửa” khi phát hiện mình đang phải trả phí cho rất nhiều dịch vụ giá trị gia tăng từ trên trời rơi xuống. Thông qua những người làm trong lĩnh vực nội dung số, chúng tôi đã phát hiện khá nhiều thủ đoạn của các công ty cung cấp dịch vụ này trên mạng di động.

Khuyến mãi trước, thu cước sau

Từng nhiều năm làm cho các công ty nội dung số, anh Q.V tiết lộ với chúng tôi nhà cung cấp có nhiều cách để dụ một thuê bao di động đăng ký sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng. Theo cách truyền thống hiện nay là nhắn tin quảng cáo hấp dẫn để lôi kéo người dùng đăng ký dịch vụ. Chẳng hạn, một số tin nhắn mà công ty nội dung số lẫn nhà mạng đều áp dụng phổ biến: “Bạn được tặng MIỄN PHÍ sử dụng dịch vụ… Hãy nhắn tin ABC gửi XYZ để dùng miễn phí trong 7 ngày...” hoặc “Xin chúc mừng bạn đã trúng thưởng chương trình bốc thăm may mắn… Hãy nhắn tin ABC gửi XYZ để biết phần thưởng của mình”. Loại tin nhắn này khiến những người dùng không đọc kỹ, thoáng thấy miễn phí hay trúng thưởng đã vội nhắn tin đăng ký sử dụng.

Người dùng di động nên thận trọng với nhiều “bẫy” trên các ứng dụng dịch vụ Ảnh: Tấn Thạnh

Loại thứ hai đang được nhà mạng sử dụng và cũng gây bức xúc cho nhiều khách hàng là khuyến mãi trước rồi âm thầm thu cước sau. Nhà mạng nhắn tin thông báo: “Thuê bao đã được đăng ký sử dụng miễn phí dịch vụ X trong chương trình khuyến mãi 1 tháng, 3 tháng. Nếu không muốn, thuê bao có thể nhắn tin hủy”. Tuy nhiên, hầu hết người nhận không đọc hết tin nên không nhắn hủy, thuê bao của họ tự động “bị” đăng ký dùng dịch vụ, hết thời hạn khuyến mãi, tiền cước sẽ bị trừ âm thầm. Cũng có người hiểu rõ nhưng tự tin dịch vụ sẽ hủy khi hết hạn “xài chùa” nhưng không mấy ai nhớ điều này sau vài tháng. Hậu quả, họ bị trừ cước dịch vụ.

Loại thứ ba là qua các hệ thống quảng cáo. Người dùng các ứng dụng miễn phí trên Android thường thấy các quảng cáo dạng pop-up bất ngờ bung ra khiến người dùng (đang trong thao tác sử dụng ứng dụng) chạm tay vào trang quảng cáo (thay vì chạm vào nút tắt quảng cáo). Thao tác này sẽ vô tình kích hoạt điện thoại nhắn tin đăng ký sử dụng dịch vụ theo lập trình được cài đặt sẵn trong mẩu quảng cáo. Người dùng không hay biết bị tính phí dùng dịch vụ.

Một loại nữa thường được các chuyên gia bảo mật cảnh báo nhiều năm nay là các ứng dụng không chính thống hoặc mạo danh ứng dụng phổ biến được người dùng cài đặt vào máy. Các ứng dụng không chính thống là ứng dụng nổi tiếng nhưng đã bị đính kèm thêm một chương trình riêng. Người dùng tải ứng dụng không chính thống này từ các trang mạng, diễn đàn… và cài đặt vào máy. Ứng dụng mạo danh thực chất là các mã độc giả dạng ứng dụng nổi tiếng để lừa người dùng. Khi được cài đặt vào máy, chúng sẽ điều khiển điện thoại nhắn tin đến các đầu số làm tốn tiền cước chủ thuê bao.

Nên tự bảo vệ

Trao đổi với chúng tôi về những thủ đoạn “móc túi” người dùng di động nêu trên, các nhà mạng đều né tránh trách nhiệm mà “chuyền bóng” sang các công ty đầu số và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số. Đại diện VinaPhone và Viettel đều cho biết sẽ quyết liệt xử lý các đối tác vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi khách hàng. Đã có quyết định xử lý kịp thời một số đơn vị CP/SP (nhà cung cấp dịch vụ nội dung) vi phạm quy chế hợp tác theo thông tin phản ánh của báo chí trong thời gian qua. Thậm chí, chấm dứt hợp đồng với hơn 30 đối tác vì cung cấp nội dung chưa phù hợp với văn hóa Việt, đăng ký dịch vụ cho khách hàng qua WAP, sử dụng đầu số dịch vụ kênh để gửi tin nhắn quảng cáo cho bên thứ ba, nhắn tin rác đến cho khách hàng… Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Kinh doanh VAS - Viettel Telecom, đã có rất nhiều biện pháp để quản lý việc hợp tác cung cấp dịch vụ nội dung nhưng do tính chất của các dịch vụ khá phức tạp và đa dạng nên vẫn chưa ngăn chặn hiệu quả những sai phạm.

Đại diện MobiFone cũng thừa nhận sai sót trong quản lý dịch vụ: “Hiện MobiFone hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp cung cấp nội dung. Đây cũng là khe hở trong quản lý các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng của MobiFone. MobiFone cam kết khắc phục sự cố, bảo đảm các quyền lợi cho khách hàng và sẽ xử lý nghiêm các nhà cung cấp dịch vụ nội dung gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dùng”.

Dù vậy, theo các chuyên gia, người dùng dịch vụ di động nên cẩn trọng khi thao tác và tự bảo vệ túi tiền của mình.

Ngại khởi kiện

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng tâm lý đa số người dùng thường ngại kiện tụng do thủ tục tố tụng kéo dài, tốn thời gian và công sức nên khi số tiền đòi bồi thường không lớn hoặc không chứng minh thiệt hại cụ thể, người bị thiệt hại thường bỏ qua.

“Để khôi phục niềm tin của người dân, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tính công bằng và hiệu quả bằng các hoạt động cụ thể. Đồng thời về lâu dài, cần sửa đổi Bộ Luật Tố tụng dân sự theo hướng đơn giản hóa quy trình khởi kiện, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm thời hạn xét xử” - luật sư Đức đề xuất.

 

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây