Trong khảo sát được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu ở 4 điểm trên 49 điện thoại và 8 điểm trên bàn tay phải của 49 chủ nhân tương ứng, thu thập gần 500 mẫu. Bằng cách sử dụng kỹ thuật khối phổ, họ phát hiện và xác định những phân tử hiện diện trên mẫu đã thu thập. Những phân tử đó có thể cung cấp thông tin về lối sống của người dùng.
Ví dụ, họ có sử dụng thuốc kháng viêm, kem dưỡng da, thuốc chống trầm cảm, trái cây, dược thảo, gia vị, cà phê... Thí nghiệm cũng cho thấy những phân tử này tồn tại khá lâu, trường hợp như kem chống nắng và thuốc thoa chống muỗi vẫn còn được phát hiện trên điện thoại sau vài tháng. Quan trọng hơn, dạng thông tin như vậy còn góp phần trong công tác điều tra tội phạm dù chỉ là thông tin tham khảo.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, TS Pieter Dorrestein, nhìn nhận những giới hạn, theo đó, các phân tử lưu trên điện thoại chỉ thể hiện đặc trưng chung về lối sống cá nhân có thể có ở một nhóm đối tượng nào đó chứ không thể chỉ ra được đặc điểm riêng biệt của mỗi người để có thể nhận dạng như dấu vân tay.
Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng hy vọng dấu ấn cá nhân để lại trên điện thoại di động còn được sử dụng trong nghiên cứu y khoa và môi trường. Ví dụ như những nghiên cứu theo định hướng này trong tương lai giúp thầy thuốc có thể chẩn đoán và điều trị tốt hơn, thông tin dạng này sẽ cung cấp thêm chứng cứ hữu ích trong thí nghiệm lâm sàng.
Tương tự như vậy, dấu vết trên điện thoại và trên da tay chủ nhân có thể giúp các nhà khoa học phát hiện người đó có thể sống trong môi trường nào, có bị phơi nhiễm với hóa chất độc hại hay không và phát hiện khả năng tồn tại nguồn ô nhiễm. Sắp tới, nhóm nghiên cứu thực hiện thí nghiệm trên 80 người, chú trọng hơn về dấu vết vi khuẩn tồn tại trên điện thoại.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn