Amazon trong nhiều năm gần đây đã không ngừng triển khai toàn cầu hóa thương mại điện tử, điển hình gần đây nhất là dịch vụ vận chuyển quốc tế, dự kiến sẽ vươn tới hơn 100 quốc gia.
Tuy nhiên trên thực tế, dịch vụ chính của Amazon hiện vẫn còn khá hạn chế với một số lượng khu vực nhất định, bao gồm 13 quốc gia như Mỹ, khu vực Tây Âu, Trung Đông, Úc, Singapore. Trong khi đó, khách hàng của hãng lại đến từ hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hiện tại, động thái khả dĩ nhất mà Amazon đang triển khai tại thị trường Việt Nam đó là tìm kiếm các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu tại chỗ ở Việt Nam, kết hợp cùng dịch vụ vận chuyển quốc tế nêu trên.
Người dùng vẫn gặp khó với dịch vụ vận chuyển quốc tế
Bằng cách áp dụng chế độ vận chuyển mới này, khách hàng ở các thị trường nơi không có văn phòng đại diện của Amazon nay đã có thể tìm kiếm và nhìn thấy xuất hiện các sản phẩm có thể chuyển đến vị trí của họ, thay vì phải sử dụng một tên miền nước ngoài để mua hàng.
Tuy nhiên, dịch vụ sẽ bổ sung thêm các chi phí vận chuyển và thuế thu nhập khẩu nếu cần thiết, và đây chính là lý do khiến Amazon chưa thể triển khai hoàn thiện và mở rộng dịch vụ của mình, đặc biệt là tại những quốc gia châu Á.
Ví dụ như khi một người tại Việt Nam mua hàng trên Amazon, họ có thể phải nhận thêm một khoản phí cộng thêm bằng 75% giá trị của sản phẩm. Trong khi đó nếu đặt mua ở nước ngoài, rồi tự chuyển về nước thì chi phí có thể rẻ hơn rất nhiều. Vấn đề trên kết hợp cùng với thời gian giao hàng bị trì hoãn khiến dịch vụ của Amazon không mang lại tính cạnh tranh cao.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng Việt vẫn có thể tạm an tâm bởi Amazon đang nỗ lực từng ngày để triển khai chiến dịch toàn cầu hóa của họ. Ghi nhận từ báo cáo, đã có hơn 45 triệu sản phẩm được chuyển đi từ Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2018. Dịch vụ này hiện đang hỗ trợ 5 ngôn ngữ khác nhau, và bằng 25 loại tiền tệ thông dụng.
Amazon chậm chân hơn các "đại gia" Trung Quốc
Việt Nam từ lâu đã được coi là thị trường đầy tiềm năng của thương mại điện tử với gần 93 triệu dân kết hợp cấu trúc dân số trẻ, lại có mức tăng trưởng người dùng Internet rất ổn định với gần 53% tính đến hết năm 2016, ngang mức bình quân của khu vực.
Cũng chính bởi lý do này mà thị trường Việt Nam ngay lập tức lọt vào "tầm ngắm" của các "đại gia" đến từ Trung Quốc. Tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma từng chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần Lazada. Một năm sau, "đại gia" này tiếp tục rót vốn thêm 1 tỷ USD để nâng số cổ phần lên 83%.
Tháng 11/2017, thị trường Việt lại ghi nhận tập đoàn thương mại điện tử JD.com rót 44 triệu USD vào công ty bán lẻ trực tuyến Tiki.vn. Cách đó không lâu, "gã khổng lồ" Tencent cũng gián tiếp đặt chân vào thị trường Việt Nam bằng kênh bán hàng online Shopee (Shopee vốn là công ty con thuộc SEA, mà SEA có cổ đông lớn là Tencent).
Việt Nam hiện có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số và cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
Hiện cũng ghi nhận 91% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, trong đó số lượng người ở nông thôn là gần 80%. Trung bình mỗi người Việt Nam đang vào Internet 25 giờ/tuần, kết hợp cùng với cuộc sống ngày càng bận rộn sẽ khiến xu hướng thương mại điện tử ngày càng tăng cao.
Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn