“Những ngày qua tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định cuối cùng của tôi là sẽ dành phần sống cho con. Tôi chấp nhận từ bỏ tất cả, chấp nhận hy sinh tấm thân này để lấy tiền cứu con.
Tôi biết, lựa chọn này chắc chắn gia đình và nhiều người sẽ ngăn cản tôi. Nhưng tôi không thể nhìn con thơ khổ mà tôi lại sống vui vẻ được. Giá như tôi có thể làm được điều gì đó cho gia đình, cho xã hội. Nhưng thật buồn tôi không thể làm được gì ngoài việc bán đi trái tim của mình, chấp nhận chết để lấy tiền điều trị tiếp bệnh cho con mình”. Đó là những dòng chia sẻ của người mẹ trẻ Trần Thị Hoa (27 tuổi, quê Bình Thuận) có con trai 7 tuổi bị căn bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh).
Chị Trần Thị Lệ (chị gái chị Hoa – PV) là người chăm sóc bé Trương Hoàng Phúc (con trai chị Hoa – PV) những ngày gần đây. Theo chia sẻ của chị Lệ, vì kinh tế cạn kiệt nên chị Hoa đi làm thêm để lấy tiền trang trải cho những chi phí ăn, ở, đi lại tại hai Bệnh viện Châm cứu Trung ương và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nơi bé Phúc điều trị.
Khi biết tin em gái có quyết định đó, chị Lệ đã khóc rất nhiều, chiếc điện thoại trên tay chị cứ thế rơi xuống giường cùng dòng chia sẻ của em gái đang hiện trên màn hình điện thoại.
Chị Hoa và con trai
Gặp chị Hoa tại bệnh viện chúng tôi được biết: Bé Phúc sinh năm 2009. Từ khi sinh ra Phúc được phát hiện bị mắc bệnh tan máu. Khi 2 tuổi, sau một trận sốt, Phúc bị bệnh bại liệt khiến một chân to, một chân nhỏ, một chân phải nhấc những bước khó nhọc lết đi.
Chính căn bệnh tan máu bẩm sinh ấy đã khiến một cậu bé có thành tích học tập đứng thứ 2 của lớp nhưng suốt 7 năm qua luôn phải gắn bó với giường bệnh, với những lần vào ra bệnh viện để truyền máu.
Sau một thời gian dài điều trị tại các bệnh viện, đến tháng 6/2016, sau khi đọc một bài báo và được biết về một số phương pháp có thể giúp con mình thoát khỏi căn bệnh này, chị Hoa tức tốc bỏ lại tất cả công việc, gia đình để đưa con ra Viện Huyết học truyền máu Trung Ương (Hà Nội) điều trị.
Giây phút được bác sĩ thông báo, con có cơ hội khỏi bệnh nếu tiến hành ghép tế bào gốc, chị Hoa đã khóc rất nhiều.
Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên, chị Hoa đã khóc rất nhiều
Toàn bộ vốn liếng dành dụm được chị mang để chữa bệnh cho con và đến nay, sau hơn 6 tháng người mẹ ấy đã phải thốt lên với chúng tôi rằng: “Giờ tôi thực sự cạn kiệt rồi và không còn chỗ nào để vay mượn được nữa. Mọi người trong gia đình, họ hàng... tôi cũng đã vay mượn mọi nơi, sức của tôi cũng không làm ra nhiều tiền cho con nằm viện điều trị nữa”, nói tới đây chị Hoa khóc
Chị Hoa li hôn khi con còn nhỏ. Một mình nuôi con bệnh tật, gia đình ngoại cũng không thể giúp đỡ gì thêm nên chị quyết định “bán tim” của mình để gom đủ 600 triệu đồng phẫu thuật với hi vọng giữ lại mạng sống của con.
“Nếu cơ hội lần này qua đi, con tôi sau này dù có tiền cũng không thể nào chữa hết được căn bệnh tan máu. Bởi vì ghép tế báo gốc được xét trên cân nặng, độ tuổi và khả năng thành công ở thời điểm này sẽ cao hơn rất nhiều.
Còn về xã hội cũng có rất nhiều người đang bệnh nặng cần gì xin hãy đến tìm tôi. Tôi có thể hiến tặng gan, thận hay giác mạc hoặc bất cứ thứ gì trên cơ thể mình... miễn sao có thể giúp ai đó hết bệnh là tôi cảm thấy vui và an lòng, thanh thản ra đi”, chị Hoa nghẹn giọng.
“Nhiều người đã bảo tôi nói dối, lừa đảo khi nói sẽ làm mọi thứ, kể cả hi sinh thân mình để có tiền cho con, có người còn gọi điện thẳng cho tôi mắng té tát, dùng những ngôn từ rất khó nghe... Nhưng họ không thể hiểu rằng, nếu không vì hoàn cảnh tôi đâu phải làm như vậy.
Tôi không cần trục lợi cho bản thân, không muốn trở thành người nổi tiếng để đến nỗi phải đi lừa dối ai. Ước mong duy nhất của tôi là con khỏe mạnh. Mong sao mai này con trai khôn lớn sẽ là người giúp ích cho xã hội, gia đình”, gạt những giọt nước mắt khẽ lăn, chị Hoa tâm sự.
Dù mang trong mình bệnh tan máu bẩm sinh nhưng Phúc vẫn luôn cười lạc quan
Chị Hoa cũng cho biết thêm, hiện đã có người đặt vấn đề mua tim của chị với hình thức hiến và sẽ trả số tiền 600 triệu đồng cùng các chi phí khác cho đến khi cháu Phúc hồi phục.
"Với tôi lúc này, tôi luôn nghĩ quyết định của tôi là đúng và tôi thấy thanh thản, thấy vui”, mím chặt môi chị Hoa nói. Chị Hoa chỉ cười và bảo, Phúc là đứa trẻ nghị lực và rất ngoan, thương mẹ. Từ nhỏ chị đã luôn bên cạnh con nên chị hiểu sự mạnh mẽ ở cậu bé 7 tuổi ấy.
Chưa đầy 2 tuổi, Phúc đã biết lau nước mắt cho mẹ mỗi khi mẹ khóc. Phúc không bao giờ khóc trước mặt mẹ, phải đợi mẹ đi làm rồi em mới khóc. Cũng không ít lần chị Hoa hỏi con: “Nếu mẹ không còn trên đời con sẽ thế nào?”. Lúc ấy, Phúc ôm chặt mẹ và bảo: “Con không cho mẹ đi đâu hết, mẹ ở lại với con...!”
Và tự sâu thẳm, chị Hoa mong ước một lần được nhìn thấy con trong sắc phục của công an. Đó cũng là ước mơ của bé Phúc khi từ nhỏ Phúc luôn mong ước trở thành công an để đi bắt tội phạm.
Bác sĩ Nguyễn Bá Phong – Phó trưởng Khoa điều trị toàn diện – Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ: “Hoàn cảnh của bệnh nhân Phúc rất đáng thương. Từ hôm chuyển sang bệnh viện chúng tôi điều trị hàng ngày chỉ có người bác ruột chăm sóc.
Bé Phúc thân thiện với chúng tôi như ruột thịt. Dù bé mang bệnh nhưng luôn vui vẻ, yêu đời, hòa đồng với mọi người và các bạn cùng phòng” .
Nói về sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ Phong cho hay, căn bệnh của bé Phúc sẽ còn kéo dài chưa biết đến khi nào mới có hồi kết: “Bệnh nhân mang căn bệnh tan máu bẩm sinh. Chúng tôi ở đây chỉ có thể hỗ trợ chuyên môn về phục hồi, còn bệnh chính của cháu thì cứ định kỳ phải sang Viện Huyết học truyền máu Trung ương để truyền và duy trì cuộc sống”, bác sĩ Phong cho hay.
Trước tâm sự của chị Hoa, nhiều độc giả của báo Người Đưa Tin vô cùng xót xa. Họ hiểu rằng, có lẽ đã rơi vào thế cùng quẫn lắm, người mẹ trẻ này mới đi đến quyết định này. Đây là một việc làm chưa từng có tiền lệ và việc bán nội tạng là điều pháp luật không cho phép.
Việt Nam đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực từ ngày 1/7/2007) quy định những nguyên tắc, thủ tục và các vấn đề có liên quan. Theo quy định của luật này, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo nguyên tắc tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 4). Bên cạnh đó, luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đơn cử như lấy trộm, ép buộc người khác phải cho hoặc lấy của người không tự nguyện hiến; mua, bán; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ vì mục đích thương mại; quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận vì mục đích thương mại (Điều 11)... Như vậy, việc mua bán bộ phận cơ thể người thuộc hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn