William Reid tốt nghiệp trường đại học tại Washington D.C chuyên ngành phim ảnh và phương tiện truyền thông điện tử, đã không phải chi tiền để mua thức ăn từ tháng 8/2014, mà thay vào đó, Reid tìm kiếm thức ăn từ nhưng thùng rác của siêu thị hoặc các nhà hàng và có thể dễ dàng tìm thấy những thức ăn vẫn còn tươi chưa bán được bị bỏ đi.
Willam cho biết các loại rau xanh, trái cây, trứng, thịt, sữa và bánh keo hoàn toàn vẫn có thể ăn được đã bị bỏ đi rất nhiều trong các thùng rác và anh đã không ngần ngại tận dụng nguồn thực phẩm này. William khẳng định anh chưa bao giờ gặp vấn đề về sức khỏe khi ăn những loại thức ăn bị bỏ đi này.
“Cuộc sống của tôi không quá khác biệt so với những người khác”, Reid chia sẻ. “Những người khác đi mua sắm thực phẩm, còn tôi chờ đợi ở đằng sau khi những thứ đó bị bỏ đi khi không ai mua chúng. Tôi cũng được quyền quyết định về những thứ mà mình sẽ ăn như những người khác”.
William Reid chỉ mất tổng cộng 5,5USD trong 2 năm qua cho việc mua thức ăn.
Việc bới rác để tìm kiếm các vật phẩm là hợp pháp tại Mỹ, dù một số thành phố cấm người dân thực hiện điều này. Reid cho biết anh chưa bao giờ nhận phải vé phạt hoặc bị làm phiền vì tìm kiếm thức ăn trong các thùng rác. Thậm chí nhiều nhân viên siêu thị hoặc nhà hàng đưa trực tiếp cho Reid những món ăn mà họ sắp đổ đi để anh không phải mất công lục lọi trong thùng rác.
Việc Reid có thể dễ dàng tìm thấy những bữa ăn ngon trong thùng rác của siêu thị và nhà hàng là một bằng chứng cho thấy việc lãng phí thực phẩm một cách nghiêm trọng tại nước Mỹ. Khoảng 40% toàn bộ thực phẩm tại Mỹ bị bỏ đi do ăn thừa, một nửa trong số đó bị bỏ đi tại các siêu thị và nhà hàng.
“Tôi nghĩ nhiều người sẽ bất ngờ với chất lượng của thực phẩm đã bị bỏ đi”, Reid cho biết. “Chúng ta đã lãng phí một lượng rất lớn thực phẩm, trong khi ở ngoài kia rất nhiều người không có gì để ăn”.
Reid đã bắt đầu lục thùng rác từ đầu năm 2014 khi đang làm tình nguyện viên tại Food Not Bombs, một tổ chức thu thập thức ăn thừa tại các cửa hàng và quyên tặng nó cho những người vô gia cư. Sau nhiều tháng thu thập thực phẩm thừa, Reid nhận ra rằng mình có thể tìm kiếm những thức ăn vẫn đầy đủ chất lượng mà không cần tốn tiền.
Bắt đầu từ tháng 8/2014, Reid đã bắt đầu ăn uống hoàn toàn từ thức ăn bị bỏ đi và được tặng. Reid cũng giới hạn tối đa việc bản thân làm lãng phí thức ăn.
Đầu năm nay, Reid đã quyết định chuyển sang chỉ ăn thức ăn chay, không phải vì Reid là một người ăn chay, mà bởi lẽ anh tìm kiếm thức ăn bị bỏ đi quá dễ dàng nên cần một sự thách thức, khi việc tìm kiếm rau xanh, củ quả... bị bỏ đi còn tươi ngon và vẫn sử dụng được khó khăn hơn việc tìm kiếm thức ăn thông thường, đòi hỏi anh phải lục lọi thùng rác kỹ càng hơn.
Reid cho biết việc tìm kiếm thức ăn ở thùng rác không mất quá nhiều thời gian như nhiều người vẫn nghĩ mà cũng giống như anh bước ra một siêu thị để lựa chọn đồ ăn. Chỉ mất vài phút để có đủ nguyên liệu cho một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Reid thừa nhận rằng hành động của mình không đơn thuần là để tiết kiệm kinh phí cho việc mua thực phẩm cũng như khuyến khích mọi người thực hiện theo thói quen ăn uống của mình, mà Reid muốn nâng cao hơn nữa nhận thực về việc lãng phí thực ăn tại Mỹ. Reid cũng sẽ thực hiện một bộ phim tài liệu về vấn đề này và dự kiến sẽ phát hành vào đầu năm 2017.
Nhi Nguyễn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn