Bệnh nhân N.H.T (35 tuổi, ở Lai Châu) đang được điều trị tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) trong tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu lợn rất nặng.
Được biết, vào dịp Tết dương lịch 2017, anh T. mua một con lợn cắp nách của dân bản về liên hoan bạn bè. Sau khi mua lợn, anh T. trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 người ăn.
5 ngày sau, anh T. xuất hiện triệu chứng sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu trong tình trạng có sốc, được xử trí cấp cứu và chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Hiện tại, bệnh nhân T. vẫn ở trong tình trạng ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng…
Nam bệnh nhân bị hoại tử do mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mỗi năm viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn rải rác ở khắp các địa phương. Phần lớn các đó liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm, số ca mắc và tử vong do liên cầu khuẩn thường tăng mạnh, do đây là mùa cưới, mùa lễ Tết nên nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao.
BS Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, dù đó là lợn sạch, lợn mán hay lợn cắp nách… vì lợn dù khỏe mạnh vẫn vẫn có thể nhiễm liên cầu khuẩn.
Thực tế rất nhiều bệnh nhân ăn tiết canh, thịt lợn do nhà nuôi nhưng vẫn bị bệnh vì trong một đàn lợn khỏe mạnh luôn có một tỷ lệ nhất định cá thể mang vi khuẩn liên cầu.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn