"Bước đường cùng nên phải phạt em vì bị điểm kém"?
Con em mình không chịu học hành, thi điểm kém, học lực yếu... thì phải làm thế nào? Có lẽ đây cũng là vấn đề đau đầu của nhiều bậc phụ huynh.
Ngày 15/1, một người có tên T.T., ở Đà Nẵng đã buộc phải phạt em trai mình vì cho rằng "chỉ việc ăn với học cũng không ra hồn".
Em trai bị phạt đội gạch.
Vì thế nên muốn em nhận ra lỗi lầm của mình, T. đã bắt em đội 10 viên gạch suốt 3 giờ đồng hồ kèm thêm 5 cây gậy. Người chị cho biết đây là "bước đường cùng" vì nói em nhiều nhưng không chịu nghe lời.
Sau khi chứng kiến hình phạt được cho là nặng tay với em trai, nhiều người đã khuyên nhủ T. hạ nhiệt và cho rằng làm như vậy là quá nặng.
Theo bạn T., nhìn bảng điểm của em mà "tức điên máu" và người chị này cho rằng chính việc "lâu nay không đánh nên em lờn mặt". Em trai T. do "ham chơi không lo học" nên học kỳ 1 vừa qua chịu học lực kém.
Không nên trách phạt, bạo hành trẻ
Trao đổi với chúng tôi, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết, sở dĩ trẻ ham chơi, lười học một phần do các bậc phụ huynh không biết lập thời gian biểu. Đối với học sinh cấp 1, nên lập kế hoạch và thực hiện cùng con. Có thể đặt đồng hồ, đặt chuông nếu con không làm xong thì sẽ bị phạt và thực hiện nghiêm túc trong vòng 1 tháng sau đó lỏng dần, con sẽ tập trung vào việc mình cần làm.
Với học sinh lớn hơn, cần cho con em hiểu học là trách nhiệm của con vì xưa nay cha mẹ luôn bắt con học nhưng không giải thích cho con học để làm gì. Mặt khác, hãy cho con tham gia vào công việc chân tay để con cảm nhận được sự vất vả của lao động và hiểu giá trị của việc học.
Cha mẹ không nên nhắc con học để tránh việc các bé ỷ lại. Hãy nhờ cô giáo "soi" con nhiều vào và phạt nặng khi mắc lỗi.
Nên dạy cho con xây dựng kế hoạch cuộc đời và làm thế nào để thực hiện nó. Tuyệt đối không vì chuyện con bị điểm kém mà đánh giá con kém cỏi, chửi mắng. Việc bạo hành trẻ khiến trẻ không những không nhận ra lỗi lầm mà còn thấy mình bị ức chế và áp lực dẫn đến việc chán học hơn.
Điều quan trọng là bậc phụ huynh nên nghĩ rằng, con không học được thì sẽ tìm được nghề khác phù hợp chứ không phải cứ học giỏi mới là tất cả.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn