Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Trung ương, chính quyền địa phương và đông đảo nhân dân TP Tam Kỳ.
Ông Nguyễn Văn Lúa – Bí thư Thành ủy TP Tam Kỳ - đã ôn lại những chặng đường phát triển của TP Tam Kỳ, từ khi Phủ lỵ Tam Kỳ thành lập (1906) cho đến ngày nay. Trong đó dấu mốc quan trọng là tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ngày 6/11/1996 đã ra Nghị quyết chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để tái lập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Lúc này tỉnh Quảng Nam gồm 2 thị xã và 12 huyện, trong đó thị xã Tam Kỳ là tỉnh lỵ của Quảng Nam. Ngày 5/1/2005, Chính phủ ra Nghị định số 01/2005/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính thị xã Tam Kỳ để thành lập huyện Phú Ninh. Thị xã tỉnh lỵ Tam Kỳ còn lại có cơ cấu đơn vị hành chính gồm 9 phường và 4 xã như hiện nay. Tháng 10/2005, thị xã Tam Kỳ được công nhận là đô thị loại 3. Đến tháng 2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-TTg công nhận Tam Kỳ là đô thị loại II thuộc tỉnh Quảng Nam.
Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Kỳ đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo những dấu ấn khá rõ nét về phát triển KT-XH, QP-AN, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tam Kỳ trong 10 năm qua luôn đạt mức cao; trong đó, GDP giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng đạt hơn 15%/năm (giai đoạn trước năm 2005 chỉ đạt hơn 14%/năm). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nếu năm 2006, tỷ trọng các ngành thương mại dịch vụ - công nghiệp xây dựng (TMDV - CNXD) chiếm 92,2% trong cơ cấu kinh tế, thì hiện nay chiếm 97,3%; ngành nông nghiệp từ chỗ chiếm 7,78% (năm 2006) nay chỉ còn 2,7% trong cơ cấu kinh tế.
Giá trị sản xuất các ngành kinh tế không ngừng tăng nhanh. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2016 ước đạt gần 1.100, tăng hơn năm lần so với năm 2006.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống văn hóa và hiếu học. Trong lịch sử, các thế hệ người con xử Quảng đã có nhiều cống hiến to lớn trong công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, giữ nước, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc ta. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Quảng Nam luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng, đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Sau hòa bình lập lại, người dân xứ Quảng đã vượt khó đi lên, đưa quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những thành tích to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam và đặc biệt là TP Tam Kỳ đã đạt được những thành tích trong những năm qua.
“Là người con của quê hương Quảng Nam thân yêu, tôi xin cùng chia vui và chúc mừng TP Tam Kỳ trở thành đô thị loại 2 và đón nhận thành tích cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý TP Tam Kỳ cũng còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục như kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tìm năng thế mạnh của địa phương, quản lý đô thị, cảnh quan môi trường và nếp sống văn minh đô thị vẫn còn bất cập, kết cấu hạ tầng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tệ nạn xã hội còn những vấn đề cần phải quan tâm giải quyết…
Để tiếp tục phát huy những truyền thống anh hùng, những kết quả đã đạt được trong những năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Tam Kỳ nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Tam Kỳ lần thứ 20 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI đã đề ra.
Công Bính
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn