Tại cuộc triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của ngành giáo dục Nghệ An hôm 31/8, có nhiều tranh luận về việc trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, có tới 40% thí sinh của Nghệ An không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo nhiều người, đây là tín hiệu tốt, bởi phụ huynh và các em đã nhận thấy tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường của sinh viên, "thừa thầy thiếu thợ". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ngành giáo dục Nghệ An có trách nhiệm gì trong việc định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho số lượng lớn học sinh vừa rời ghế trường THPT này?
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An. Ảnh: Hải Bình. |
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ An cho rằng, số liệu trên là chuyển biến đáng mừng, tất nhiên ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm để định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho các em.
Từ trung tuần tháng 2/2016, Sở đã yêu cầu các phòng giáo dục xây dựng kế hoạch phân luồng hướng nghiệp dạy nghề. Cùng với đó, Sở Giáo dục phối hợp với Sở Lao động thành lập tổ công tác liên ngành đi về một số huyện tổ chức tư vấn hướng nghiệp.
Theo Giám đốc Sở giáo dục, một giải pháp khác mang hướng mở trong thời gian tới là du học nghề bằng cách đẩy mạnh liên kết với các đối tác tin cậy từ Nhật, Đức... "Khi du học nghề, các em vừa học nghề vừa có thêm thu nhập", bà Chi nói.
Một tiết học thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Đức đóng tại thành phố Vinh. Ảnh: Hải Bình. |
Trước đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016, toàn tỉnh Nghệ An có gần 31.700 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó khoảng 19.500 thí sinh đăng ký dự thi vào cụm do Sở Giáo dục chủ trì chỉ để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp, chiếm gần 40% .
Hải BìnhNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn