Nguyễn Thị Dinh sinh ra và lớn lên tại Ân Thi (Hưng Yên) trong gia đình thuần nông. Nhà có 3 chị em gái, hai chị lớn đã lập gia đình, Dinh là út nên được bố mẹ cho học hành nhiều nhất, dù kinh tế có nhiều khó khăn.
Là học sinh giỏi văn, ai cũng bất ngờ khi Dinh chọn thi Đại học Thương mại. Dinh chia sẻ việc quá nhiều người nói học những thứ liên quan đến văn chương rất vất vả khiến cô quyết tâm thi vào chuyên ngành thuộc khối kinh tế.
Ngay khi bắt đầu nhập học, được anh chị trong trường chia sẻ những bạn học giỏi cấp 3 không đồng nghĩa với việc là sinh viên giỏi trong trường, Dinh tự nhủ “mình sẽ đi ngược thực tế ấy”. Học sinh cấp 3 mới lên đại học thường có tư tưởng nghỉ ngơi một thời gian, nhưng Dinh lại không quan niệm như vậy. Cô cho rằng học đại học không phải là đi du lịch thủ đô.
Năm nhất đại học, từ một buổi giao lưu sinh viên, Dinh được biết điểm kỷ lục của khoa là 3.6 và đặt ra mục tiêu phải vượt qua con số đó. Cuối cùng, cô gái nhỏ nhắn đến từ Hưng Yên đã đạt được mục tiêu (điểm toàn khóa 3,78).
Chia sẻ về bí quyết học tập, Dinh cho rằng lợi thế đến từ sự khác biệt. Với cô, khác biệt ở đây chính là những môn học không phải chuyên ngành. Nếu như các bạn trong lớp đều sợ những môn có tính chất lý luận như Triết học Mác - Lênin hay Pháp luật đại cương thì Dinh lấy chúng làm đòn bẩy.
Đã rất nhiều lần, Dinh bị bạn bè cho là “điên” khi toàn đạt điểm A những môn khó nhằn như vậy. Cô lập luận những môn lý luận được đưa vào chương trình đại học không phải để cho vui. Nó giúp ích rất nhiều cho cô trong cuộc sống và tư duy mọi vấn đề.
Nhiều bạn nghĩ rằng Dinh may mắn được thầy cô yêu quý và có phần ưu ái hơn sinh viên khác trong việc hướng dẫn làm nghiên cứu hay làm khóa luận tốt nghiệp. Không phủ nhận điều đó, nhưng cô cũng đặt câu hỏi nếu không khác biệt thì liệu có nhận được sự ưu ái đó hay chỉ giống như bao sinh viên khác trong trường?
Tô Hồng Hạnh (trái) và Nguyễn Thị Dinh là hai sinh viên xuất sắc Đại học Thương mại khóa 2012-2016. |
Cùng với Dinh, Tô Hồng Hạnh là thủ khoa xuất sắc thứ hai của Đại học Thương mại. Cô gái đến từ Văn Giang (Hưng Yên) đứng đầu khoa Kế toán - Kiểm toán với số điểm tốt nghiệp 3,7. Xuất phát từ một gia đình thuộc diện khó khăn của xã, Hạnh đã nuôi quyết tâm học thật tốt chuyên ngành kinh tế để thoát nghèo.
Học kế toán doanh nghiệp, Hạnh luôn nghĩ phải có thật nhiều kinh nghiệm mới kiếm được công việc tốt khi ra trường bởi doanh nghiệp cần người biết việc chứ không cần người biết học để đi thi. Từ suy nghĩ đó, suốt 4 năm đại học, Hạnh đăng ký đi thực tập từ vị trí kế toán đến trợ lý kế toán ở rất nhiều công ty. Mỗi công ty có phong cách làm việc riêng nên việc được tiếp xúc nhiều giúp cô có khả năng thích nghi nhanh hơn khi được giao nhiệm vụ mới.
Hạnh cho biết điều nuối tiếc nhất sau 4 năm đại học là không học ngoại ngữ một cách chỉn chu. Bây giờ, vừa phải đi làm, vừa đi học thêm ngoại ngữ khiến cô khá vất vả và đánh mất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Cô đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên “hãy học ngoại ngữ nghiêm túc càng sớm càng tốt”.
Chị Bùi Thị Kim Lan, Hội trưởng CLB Kế toán - Kiểm toán trẻ Đại học Thương mại, người luôn theo sát Hạnh chia sẻ: “Hồng Hạnh có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ ngay khi còn là sinh viên nên có rất nhiều đóng góp cho câu lạc bộ. Những chia sẻ của Hạnh về cuộc sống và nghề nghiệp tương lai luôn thu hút thành viên”.
Cùng đến từ Hưng Yên và cùng học một trường đại học, nhưng Dinh và Hạnh không hề quen nhau. Gần đây, khi trở thành thủ khoa xuất sắc của Đại học Thương mại, hai cô gái mới gặp gỡ và nhanh chóng trở nên thân thiết.
Cả hai thủ khoa đều thích hoạt động tình nguyện và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học trong trường. Nói về tương lai, Dinh hy vọng trở thành giảng viên chuyên ngành thương mại quốc tế, còn Hạnh muốn làm việc trong công ty đa quốc gia.
Thanh Tâm
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn